Thanh tra việc nhà vệ sinh tiền tỷ ảnh hưởng hành khách trên toa tàu

Thế Anh |

Liên quan tới dự án lắp đặt thiết bị vệ sinh thu gom chất thải sinh hoạt trên 821 toa xe khách có tổng trị giá hơn 168 tỷ đồng nhưng lại gây bốc mùi hôi, bộ GTVT đã thành lập đoàn thanh tra.

Ngày 25/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Bộ GTVT đã nắm được những thông tin mà người dân cũng như báo chí phản ánh trong thời gian qua về việc các thiết bị vệ sinh trên tàu làm ảnh hưởng tới hành khách”.

“Tôi cũng đã ký văn bản chỉ đạo gửi tới tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc này. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập tổ thanh tra giao cho vụ Môi trường phụ trách để đi thực tế kiểm tra, sai ở đâu chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý ở đó”, Thứ trưởng Đông nói.

Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, cục vừa kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên các đoàn tàu khách Thống Nhất, đoạn Vinh-Hà Nội.

Kết quả cho thấy một trong 3 chủng loại thiết bị vệ sinh tự hoại được lắp đặt và sử dụng trên tàu do hãng Chodai cung cấp, đang bộc lộ một số bất cập.

Cụ thể, loại thiết bị vệ sinh này sử dụng công nghệ tự hoại, giá thể (chế phẩm sinh học) dùng để xử lý chất thải phải được giữ khô trong quá trình sử dụng, nên không phù hợp với thói quen và điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Thực tế, hành khách đã sử dụng nước dư thừa khiến cho chế phẩm sinh học nhanh bị hư hỏng, giảm hiệu quả xử lý. Hệ thống để lộ thiên nên gây phản cảm với hành khách.

Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các buồng vệ sinh có lắp thiết bị vệ sinh của Chodai đều phải đóng cửa lại hoặc hạn chế sử dụng.

Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị tổng công ty Đường sắt khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại của thiết bị vệ sinh do Chodai cung cấp và báo cáo về Cục trước ngày 31/3.

Được biết, dự án lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa tàu được tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư từ tháng 1/2014 theo chỉ đạo của bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với mục tiêu cải tạo, thu gom chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách và chấm dứt xả thải ra môi trường.

Công ty CP Khoa học công nghệ Petech (Petech Corp, Việt Nam) là đơn vị trúng thầu với giá bình quân một bộ thiết bị biofast khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, thiết bị này không tương thích với một số loại toa xe vì không lắp được thùng xử lý dưới gầm xe, vì vậy Petech đã liên kết với công ty Chodai (Chodai, Nhật Bản), chuyên cung cấp thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt cho các toa xe khách.

Theo đó, công ty Chodai cung cấp 199 bộ thiết bị bio-toilet B50, đơn giá khoảng trên 110 triệu đồng/bộ và tổng giá trị khoảng 22,5 tỷ đồng.

Là đơn vị cung cấp thiết bị vệ sinh, công ty Chodai thông tin, thiết bị bio-toilet là thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt theo nguyên lý dạng khô, hoàn toàn không sử dụng nước.

Chất thải và nước tiểu sẽ trộn lẫn với mùn cưa cùng các chế phẩm sinh học rồi đảo trộn trong bể xử lý và được thay thế sau 6 tháng đến 1 năm tùy vào lượng người sử dụng.

Nhiệt lượng từ trong bể sẽ làm hóa hơi toàn bộ phần nước có trong chất thải và được hệ thống quạt hút đưa ra bên ngoài.

Với thiết bị bio-toilet, người dùng không được đổ nước hoặc xịt rửa nước vào trong bể xử lý vì sẽ làm chết các vi sinh vật hiếu khí, không vứt rác và các vật dụng lạ trừ giấy vệ sinh vào bể xử lý.

Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hướng dẫn sử dụng, vận hành hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị là yếu tố rất quan trọng.

Do toa tàu quá đông khách và tàu chạy liên tục 2-3 ngày đêm cùng thói quen dùng nước rửa khiến bể vi sinh bị đọng nước, không sấy khô kịp rồi lên men gây hôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại