Đây là số liệu được đưa ra tại báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Thanh tra Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Nhiều nơi lãnh đạo nhiều hơn công chức
Nội dung đáng chú ý trong bản báo cáo Thanh tra Chính phủ lập là về công tác cán bộ. Bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng số lượng biên chế được tuyển dụng vượt số được cấp có thẩm quyền giao còn diễn ra ở nhiều nơi.
Đặc biệt là tình trạng bổ nhiệm số lượng lãnh đạo nhiều hơn quy định, thậm chí có nơi lãnh đạo nhiều hơn công chức vẫn còn diễn ra.
Cụ thể tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên trong tổng số công chức ở Bộ Công thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ 3/5…
Ngoài ra, tỷ lệ này cũng cao ở một số địa phương như Hà Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang …
Trong khi đó, tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 của Kiểm toán nhà nước đánh giá qua kiểm toán tại một số Bộ, ngành và địa phương đã phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao 2.173 biên chế, trong đó số thực tế tuyển dụng biên chế viên chức vượt so với số được cấp có thẩm quyền giao 3.045 viên chức; sử dụng biên chế và lao động hợp đồng tại các đơn vị vượt chỉ tiêu được giao 6.939 biên chế và 15.070 lao động, trong đó sử dụng 8.280 lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, không đúng quy định của Bộ Nội vụ.
Vấn đề tuyển dụng, bổ nhiệm Chính phủ, trong năm 2017, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh về việc lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý.
Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra để xác minh các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các trường hợp theo thông tin báo chí phản ánh tại 9 địa phương, đơn vị (như tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…).
Qua kiểm tra, Bộ Nội vụ tổng kết nhiều tồn tại như, tại thời điểm bổ nhiệm, một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ và tin học; trình tự bổ nhiệm của một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm...
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được phát hiện qua kiểm tra.
Đối với việc một số bộ, ngành, địa phương còn để tình trạng bổ nhiệm thừa cấp phó so với quy định, Thủ tướng yêu cầu rà soát, kiểm tra và thẳng thắn phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương còn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng thừa cấp phó và đã yêu cầu khẩn trương khắc phục, chấn chỉnh ngay.
78 người/1,1 triệu người được xác minh tài sản thu nhập
Về biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập, báo cáo của Chính phủ cho biết, qua dư luận, báo chí đã phản ánh về tài sản của một số cán bộ cấp cao ở bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh theo quy định.
Thống kê số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 là trên 1,1 triệu người (tăng 10,8% so với năm 2016), 99,8% đã công khai bản kê khai tài sản. Tuy nhiên chỉ có 78 người/1,1 triệu người được xác minh tài sản, thu nhập (giảm 81,4%).
Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào).
Từ chủ trương siết chặt và phát động việc không nhận quà, tặng quà và nộp lại quà tặng, báo cáo cho biết Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý; đồng thời thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các xe ô tô đã tiếp nhận trước đây theo đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước và sử dụng đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
Một số địa phương đã trả lại, không tiếp nhận xe do doanh nghiệp biếu tặng như: Cà Mau trả lại 2 xe, TP Đà Nẵng trả lại 1 xe.
Có 2 trường hợp ở Bình Thuận và 1 trường hợp ở Lâm Đồng trả lại quà tặng với số tiền 32 triệu đồng. Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp tại Đà Nẵng.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ , trong năm có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, tăng 28 người so với năm 2016. Gồm:
Bộ Tài chính 2 người; Bộ Công an 4 người; Quảng Nam 2 người; Kiên Giang 9 người; An Giang 4 người; Bình Thuận 2 người; Điện Biên: 2 người; Quảng Ngãi 2 người; Hậu Giang 3 người; Tiền Giang 1 người; Thái Nguyên 2 người; Tây Ninh 2 người; Quảng Ngãi 2 người; Ninh Thuận 1 người; Long An 3 người. Tuy nhiên quá trình triển khai biện pháp này được xác định là vẫn còn khó khăn, lúng túng.