Trong kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Ngày 9/5/2014, Công ty mua bán điện và Công ty cổ phần thuỷ điện Trung Nam đã ký kết hợp đồng muabans điện với giá tạm tính 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013 áp dụng đối với các nhà máy thuỷ điện (983 đồng/kWh) được quy định tại Quyết định số 8440/QĐ-BCT ngày 15/1/2013 của Bộ Công Thương.
Mặc dù sau đó, EVN đã đề xuất tạm thanh toán theo mức giá trần quy định của từng năm (văn bản số 728/EVN – TTD ngày 2/3/2015) nhưng Bộ Công thương đã chấp thuận mức giá tạm thời thanh toán là 1.740 đồng/kWh vượt khung giá quy định (văn bản số 3973/BCT-ĐTĐL ngày 23/4/2015) là chưa đúng quy định của Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, theo đó quy định giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành.
Sau khi Chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và Chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực.
Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra Hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét giải quyết theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 23 Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014.
Mặt khác, EVN và Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đồng Nai 2 chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết…. để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt Hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014, khoản 1 Điều 19 Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công thương
Việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy, do đó giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm quản cơ sở pháp lý.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân: lý do dẫn đến giá mua bán điện vượt khung quy định cần phải được Bộ Công thương, EVN kiểm tra, xem xét để giá mua bán điện đảm bảo căn cứ, chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật.
Từ những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên dẫn đến việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đánh giá: "Trách nhiệm thuộc về EVN, Cục điều tiết điện lực và Bộ Công thương".
Đôi nét về Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2 và Trungnam Group
Dự án thủy điện Đồng Nai 2 tại xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng do Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam (Trungnam Power - Thành viên trực thuộc Trungnam Group) làm chủ đầu tư với công suất lắp máy là 75 MW, vốn đầu tư là 2500 tỷ đồng. Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 được xây dựng trên sông Đa Dâng, một nhánh của sông Đồng Nai.
Khi đi vào vận hành, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho ngành điện Quốc gia 263,8 triệu KWh, góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng của cả nước và thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng.
Trên thực tế, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 chỉ là một trong những nhà máy trong chuỗi đầu tư của hệ sinh thái Trungnam Group.
Hồ sơ doanh nghiệp cho thấy, Trungnam Group tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, tiền thân là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng được thành lập từ năm 2004.
Sau 18 năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.
Trungnam Group được chèo lái bởi 2 doanh nhân là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) - Tổng Gám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ông Nguyễn Tâm Tiến từng khẳng định trong 5 lĩnh vực ngành nghề chiến lược thì năng lượng tái tạo là mảng chính và được đầu tư phát triển nhất. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ khi đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Tính đến nay, Trungnam Group có 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm. Trong đó, điện gió 700MW và 120MW là thủy điện, còn lại là điện mặt trời.
Hai dự án lớn nhất của tập đoàn là điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam sản lượng 1,2 tỷ kWh, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng và dự án điện gió Ea Nam, sản lượng 1,1 tỷ kWh có quy mô lớn nhất nước với tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng.
Sau khi xác định đầu tư mạnh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, Trungnam Group đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 20.940 tỷ đồng trong 5 năm. Quy mô tài sản cũng theo đó tăng vọt và đạt hơn 41.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm đạt khoảng 23.300 tỷ đồng tương ứng nợ phải trả ở mức 17.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2021, Trungnam Group đã bán 49% cổ phần tại Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35,1% cổ phần Nhà máy Điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE ) - thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).
Ngoài công ty mẹ, 2 thành viên có tổng tài sản lớn gồm Điện gió Trung Nam - Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam và Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam - chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
Đa phần các đơn vị thành viên trong lĩnh vực năng lượng của tập đoàn đều có kết quả kinh doanh tăng vọt.