Thanh toán online và những chiêu lừa “độc”

M.Tiến - M.Trí |

Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc giao dịch mua bán thông qua chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử... ngày một trở nên phổ biến, đem lại sự tiện lợi cho khác hàng. Tuy nhiên, lợi dụng những kẽ hở, đối tượng lừa đảo đã nghĩ ra đủ chiêu để chiếm đoạt tiền...

Thấy “đỏ” mà chưa “chín”

Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giao dịch online, song anh Hoàng Văn T. (chủ một cửa hàng bán điện thoại di động trên quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn trở thành nạn nhân của một chiêu lừa “dị” mà ít kẻ có thể nghĩ ra.

Một buổi trưa, anh T. đang ngủ gà ngủ gật thì thấy một thanh niên đi xe máy SH, ăn mặc rất sành điệu đến hỏi mua một chiếc điện thoại iPhone XS max cũ với giá hơn 20 triệu đồng.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, check imei cũng như iCloud... “các kiểu con đà điểu” thì người khách quyết định “chốt” mua. Tuy nhiên, anh ta nói không mang tiền mặt mà đề nghị chuyển khoản ngân hàng. Chủ cửa hàng đồng ý ngay, bởi chuyện thanh toán không dùng tiền mặt hiện rất phổ biến.

Đang hý hoáy một lúc, bỗng điện thoại của vị khách sành điệu tắt phụt. Anh ta bảo máy bị hết pin, và mượn điện thoại của chủ cửa hàng để thực hiện việc thanh toán. T. liền đưa ngay cho anh ta.

Ít phút sau, vị khách đưa trả lại T. chiếc điện thoại cùng với tin nhắn từ ngân hàng thông báo tài khoản của anh T. đã được cộng vào 21,5 triệu đồng. Thấy vậy, anh T. liền gói chiếc điện thoại trao cho vị khách, lòng thầm khoan khoái vì đã bán được món hàng với giá hời.

Khi vị khách đi khỏi một lúc, anh T. truy cập tài khoản thì giật mình không tin nổi. Số dư tài khoản “nguyễn y vân”, không thấy cộng thêm được đồng nào. Gọi điện thoại lên tổng đài, nhân viên ngân hàng thông báo không có bất kỳ giao dịch nào trong ngày hôm đó.

T. kiểm tra kỹ lại tin nhắn, danh bạ điện thoại thì phát hiện số điện thoại gửi tin nhắn thông báo số dư không phải từ ngân hàng mà lại chính là của đối tượng lừa đảo. Hắn đã vào danh bạ của anh T., sửa tên thuê bao của hắn thành tên ngân hàng. Từ đó đã qua mặt được anh T.

Cũng với thủ đoạn này, nữ quái Phan Hồng Lộc (SN 1992, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lừa đảo trót lọt một loạt chủ cửa hàng vàng bạc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Bà Trần Thị Bích H. (SN 1972) kể lại, một buổi trưa có một cô gái khá xinh đẹp, ăn mặc sành điệu đến cửa hàng của bà để hỏi mua vòng tay, nhẫn... với tổng số tiền gần 20 triệu đồng và đề nghị thanh toán chuyển khoản.

Bà H. đã cung cấp số tài khoản ngân hàng cho cô ta. Sau đó nữ khách hàng dùng điện thoại đăng nhập vào ứng dụng Internet banking của ngân hàng để chuyển tiền.

Thanh toán online và những chiêu lừa “độc” - Ảnh 1.

Khi giao dịch qua hình thức thanh toán online, người dân cần cảnh giác, tránh bị sập bẫy của kẻ lừa đảo.

Cô ta cố tình nhập sai thông tin tài khoản ngân hàng người nhận để được ngân hàng hoàn trả lại tiền. Thực hiện xong thao tác trên, Lộc đưa cho bà H. xem tin nhắn chuyển khoản thành công. Song bà H. cảnh giác, không đồng ý bán hàng vì chưa thấy tin nhắn báo thay đổi số dư tài khoản.

Không từ bỏ ý định lừa đảo, đối tượng lấy lý do điện thoại hết pin để mượn điện thoại của bà H. với mục đích chụp ảnh trang sức gửi mẫu cho bạn xem.

Lợi dụng sự lơ là của bà H., Lộc đọc được tin nhắn số dư tài khoản của bà H. và lén copy nội dung tin nhắn này gửi sang số điện thoại của mình. Đồng thời lưu số điện thoại của mình vào danh bạ của bà H. với tên ngân hàng nhằm giả danh số tổng đài ngân hàng.

Sau khi trả lại điện thoại, Lộc tiếp tục đề nghị chuyển tiền cùng ngân hàng.

Cô ta sử dụng điện thoại khác soạn tin nhắn có nội dung giả mạo tin nhắn ngân hàng thông báo đã chuyển khoản thành công số tiền 20 triệu đồng vào tài khoản của bà H. và gửi đến điện thoại của bà H. để bà này tin tưởng. Sau đó, Lộc tiếp tục chọn thêm một số trang sức có giá trị lớn hơn.

Chỉ trong buổi sáng, bà H. đã giao số hàng hóa có trị giá hơn 206 triệu đồng cho Lộc. Chiều hôm sau, bà H. ra ngân hàng rút tiền thì phát hiện trong tài khoản không có tiền như các tin nhắn báo biến động số dư. Bà H. đã lập tức đến Cơ quan công an trình báo vụ việc.

Với thủ đoạn tương tự trong vòng hơn một năm Lộc đã thực hiện trót lọt 5 phi vụ khác. Trong tất cả những lần đó, Lộc đều mượn điện thoại của chủ cửa hàng, nại các lý do khác nhau như điện thoại hỏng hoặc nhờ gọi điện cho người thân...

Có trường hợp đối tượng mua hàng vào ngày thứ Bảy, nói chuyển tiền ngân hàng khác hệ thống thì ngày thứ Hai tuần sau người nhận mới nhận được tiền...

Có người vẫn tin tưởng giao hàng cho bị cáo. Số tài sản Lộc đã chiếm đoạt gồm nhiều đồ trang sức vàng, đô la Mỹ, đàn piano... tổng giá trị lên tới hơn 730 triệu đồng.

“Siêu lừa” sa lưới

Nếu như thủ đoạn sửa tên danh bạ để giả tin nhắn chuyển khoản dần bị các chủ cửa hàng “bắt bài” thì các đối tượng lừa đảo lại nghĩ ra nhiều chiêu mới. Một trong số đó là đặt lịch hẹn chuyển tiền. Mới đây Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tóm được một “siêu lừa” như thế.

Trưa 15-5, chị P.T.H - chủ một tiệm vàng trên phố Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tiếp một thanh niên trẻ vào mua hàng. Sau khi xem xét khá kỹ lưỡng, thanh niên này chọn mua một sợi dây chuyền vàng 24k loại 2 chỉ.

Sau khi thống nhất giá bán là gần 10 triệu đồng, khách hàng nói sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Chỉ thấy người thanh niên bấm nhoay nhoáy trong điện thoại rồi đưa máy cho chị H. xem thông báo đang thực hiện giao dịch chuyển khoản 10 triệu đồng đến tài khoản của chị H.

Nhìn thấy thông báo trên ứng dụng, chị H. tin rằng giao dịch đã hoàn tất nên đã đưa dây chuyền cho đối tượng mang đi. Song chờ đến tối vẫn chưa thấy “nổ” tiền vào tài khoản, chị H. tá hỏa khi phát hiện mình đã bị ăn một vố lừa đau!

Chiều 21-5, một chủ tiệm vàng trên phố Tân Mai (quận Hoàng Mai) cũng trở thành nạn nhân của người thanh niên trên. Hai chiếc nhẫn vàng trị giá hàng chục triệu đồng của cửa hàng đã trao cho đối tượng, cũng với niềm tin rằng tiền đang được chuyển vào tài khoản.

Ngày 24-5, thêm một nạn nhân sập bẫy đối tượng, cùng một thủ đoạn. Đó là chủ một cửa hàng bán điện thoại trên mặt phố Thái Hà (quận Đống Đa). Kẻ lừa đảo hỏi mua chiếc điện thoại iPhone XS max cũ với giá 12,5 triệu đồng.

Sau khi đưa thông báo “Giao dịch của quý khách đã được ghi nhận” trên điện thoại cho chủ cửa hàng xem, đối tượng cầm chiếc điện thoại ra về. Và đương nhiên, chủ cửa hàng này chờ dài cổ cũng không thấy đồng xu cắc bạc nào được chuyển vào tài khoản.

Nhận thấy đối tượng có thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp liên tục gây án trên địa bàn, Công an phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) đã lập kế hoạch điều tra, truy bắt đối tượng. Chiều 26-5, lực lượng điều tra đã tóm được kẻ lừa đảo khi hắn định tiếp tục gây án. Gã là Nguyễn Minh Thanh (SN 1996, trú tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) là đối tượng đã có 1 tiền án, 1 tiền sự, liên quan tới các hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Thanh toán online và những chiêu lừa “độc” - Ảnh 2.

Các đối tượng Phan Hồng Lộc và Nguyễn Minh Thanh.

Sau khi ra tù, Thanh lên mạng Internet và tìm hiểu tính năng “chuyển tiền sau” trên ứng dụng giao dịch trực tuyến của một ngân hàng, từ đó nảy ra ý định lợi dụng tính năng này để đi lừa đảo hàng loạt.

Gã cũng phát hiện ra một sơ hở của ứng dụng, khi thực hiện giao dịch chuyển tiền qua ứng dụng trong cùng hệ thống ngân hàng này thì người dùng có thể chọn tính năng “đặt lịch hẹn chuyển tiền” (chuyển tiền sau).

Khi chọn như vậy, dù tiền chưa hề được chuyển đi (vì phụ thuộc lịch hẹn), ứng dụng vẫn hiện ra thông báo dễ gây hiểu nhầm, là “Giao dịch của quý khách đã được ghi nhận”.

Từ đó, Thanh đưa thông báo cho người đối diện xem, để lừa họ rằng y đã chuyển tiền và thản nhiên lấy hàng. Sau đó, Thanh làm thao tác hủy lệnh chuyển tiền, khiến giao dịch bị hủy và đối tượng dễ dàng chiếm đoạt món hàng.

Số vàng và điện thoại mà Nguyễn Minh Thanh lừa đảo, chiếm đoạt được y mang đi bán lại cho các cửa hàng khác, để lấy tiền ăn tiêu. Ngày 7-6, Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Thanh để điều tra.

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, để tránh bị các đối tượng lừa đảo, người dân, các chủ cửa hàng... khi giao dịch mua bán cần nâng cao cảnh giác.

Nếu đối tượng muốn thanh toán bằng chuyển tiền online thì luôn đăng nhập vào tài khoản để kiểm tra xem tiền đã về hay chưa. Tránh việc bị các đối tượng làm giả tin nhắn để lừa đảo.

Ngoài ra, người dân và các chủ cửa hàng khi giao dịch thông qua hình thức ủy nhiệm chi cũng cần phải cảnh giác. Bởi vừa qua Cơ quan công an đã phát hiện một số đối tượng dùng thủ đoạn này để lừa đảo.

Đối tượng nói sẽ chuyển tiền mua hàng vào tài khoản của chủ cửa hàng thông qua ủy nhiệm chi. Tuy nhiên, chúng sẽ viết thiếu một số trong tài khoản ngân hàng của người nhận.

Tiếp đó, sau khi nhận được “Liên 2” từ ngân hàng chúng sẽ điền nốt con số còn thiếu rồi chụp ảnh gửi vào cho chủ cửa hàng. Thường các chủ cửa hàng khi đọc thấy tên, số tài khoản, địa chỉ... trên ủy nhiệm chi khớp với của mình thì sẽ tin tưởng và giao hàng. Song khi không thấy tiền chuyển vào thì mới phát hiện bị lừa.

3 điểm cần lưu ý, tránh bị lừa đảo khi giao dịch online

Để tránh việc bị lừa đảo khi giao dịch online, người dân, chủ cửa hàng luôn đề nghị khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 nếu khách hàng có nhu cầu mua hàng ngay. P

hần lớn các ngân hàng hiện nay đều cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 thông qua Internet banking (hoặc Mobile banking). Ưu điểm khi sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 là người bán hàng online sẽ ngay lập tức nhận được tiền vào tài khoản bất kể chuyển khoản thời gian nào trong ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật cũng như tài khoản người gửi khác hệ thống ngân hàng người nhận.

Trường hợp khách hàng thông báo đã chuyển tiền bằng dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 và chụp màn hình thông báo giao dịch thành công, tuy nhiên người bán hàng vẫn chưa nhận được tiền thì cần xem xét thận trọng. Trong trường hợp này, người bán hàng có thể bí mật gọi điện cho số hotline của ngân hàng để kiểm tra trạng thái tài khoản trước khi quyết định có giao hàng hay không.

Trường hợp khách hàng muốn nộp tiền mặt vào tài khoản của người bán hàng thì đề nghị khách hàng tìm ngân hàng cùng hệ thống để đảm bảo sau khi nộp tiền, người bán sẽ nhận được tiền luôn vào tài khoản.

Thứ hai, người bán hàng cần đặc biệt lưu ý đến các giao dịch phát sinh vào cuối ngày, đặc biệt là thứ Sáu.

Các đối tượng lừa đảo thường lấy lý do thiếu thuyết phục là cuối ngày ngân hàng chưa kịp ghi nhận giao dịch, hệ thống có lỗi... để qua mặt người bán. Tuy nhiên, các giao dịch có lỗi trên thường có xác suất rất nhỏ.

Thứ ba, người bán hàng cũng cần để ý đến thái độ và tâm lý của người mua. Nếu người mua tỏ ra khoáng đạt, không mặc cả, mua hàng với giá trị lớn, hẹn giao hàng tại các địa điểm xa thì cũng cần phải đặc biệt cảnh giác. Đặc biệt, người bán hàng online cũng cần thường xuyên cập nhật các phương thức và thủ đoạn lừa đảo được ngân hàng khuyến cáo để chủ động phòng tránh bị kẻ gian lợi dụng khi giao dịch mua bán online. (Theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại