Những ngày qua, khi thông tin cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey là Chủ tịch Hội đồng tín thác Trường Đại học Fulbright Việt Nam - cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài, thành lập cuối tháng 5/2016 được công bố, ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Kèm theo đó là các cuộc tranh luận không có hồi kết giữ tha thứ hay không tha thứ cho ông Bob Kerrey – người đã từng chỉ huy đội đặc nhiệm liên quan đến cuộc thảm sát tại làng chài Khâu Băng (nay là xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) vào ngày 25/2/1969.
Vụ thảm sát này đã khiến 21 nạn nhân gồm người già, phụ nữ và trẻ em chết thảm.
Để có cái nhìn khách quan về sự việc, chúng tôi đã đến gặp gia đình của những nạn nhân trong vụ thảm sát năm xưa. Lắng nghe tâm sự, cũng như câu trả lời của họ khi ông Bob Kerrey đã lên tiếng xin lỗi về việc này.
Bia tưởng niệm 21 người đã chết trong cuộc thảm sát Thạnh Phong
Nội dung trên bia tưởng niệm ghi rõ thời gian và người chỉ huy là ông Bob Kerrey.
Những hồi ức không thể nào quên
Biết chúng tôi đến tìm hiểu về vụ thảm sát, sau những giây phút yên lặng, bà Nguyễn Thị Giang (77 tuổi, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) bồi hồi:
"Trước đó nhà tôi bị cháy nên tôi phải ôm theo một đứa con còn đỏ hỏn, và một đứa nhỏ tản đi tìm chỗ khác. Lúc đó tôi buộc phải để lại đứa con lớn, ở với bà nội cùng họ hàng bên cạnh.
Lúc di tản tưởng đâu cha mẹ và con bé ở dưới này êm ấm, chứ đâu có ngờ họ bị tàn sát như vậy. Tôi hết biết rồi, tôi không còn tưởng tượng được gì hết, không tưởng tượng nổi, khổ chưa từng thấy khổ."
Theo bà Giang, thường thì lính Mỹ đổ bộ vào xóm chỉ bắt mọi người xếp hàng để hỏi tung tích của đàn ông trong gia đình. Nhiều lần họ lên nhưng không giết ai cả, nên cả xóm không ai đề phòng, nhưng không ngờ lần này...
"Lần đó người thân của tôi tại Thạnh Phong có 16 người, gồm bà ngoại tôi, mẹ chồng, 1 người dì, 2 người mợ đang mang bầu, 10 đứa cháu nhỏ và con gái lớn tôi gửi lại. Họ (lính Mỹ-PV) đột kích, giết 15 người, may mà con gái tôi chạy trốn được.", bà Giang rưng rưng.
Bà Giang là người gánh chịu nặng nề nhất khi 21 nạn nhân thì 15 người là người thân của bà.
Lúc đó thông tin liên lạc khó khăn nên sự việc xảy ra một ngày thì bà Giang mới biết được, mất thêm hai ngày nữa mới về đến nhà.
"Về nhà là chết hết trơn không còn ai, mình không còn cảm giác gì hết như muốn điên lên. Lúc đó hết biết rồi, nếu chết được tôi cũng nguyện chết theo họ luôn cho rồi.
Những tưởng con gái tôi cũng chết. May mà 3 ngày sau người ta cho hay nó đang ở trên Thạnh Phú.
Nó kể là thấy lính Mỹ lùa bắt người ở mấy nhà phía đầu xóm, nó chạy trốn vô trảng xê (hầm trú ẩn trong nhà -PV), nhưng cũng bị bắn trúng đầu gối, lưng cũng bị mảnh pháo văng trúng, mảnh vỡ gim khắp lưng.", bà Giang kể tiếp.
Bà Khoe hiện giờ không còn cảm giác oán hận, nhưng vẫn không thể quên được cảnh tượng đau lòng tại xã Thạnh Phong.
Trong xóm nhỏ ấy, bà Nguyễn Thị Khoe (thường gọi là bà Ba, hơn 70 tuổi) tự cho mình là người may mắn nhất, vì ngày Bob Kerrey dẫn quân đến đột kích thì bà dẫn ba đứa con nhỏ ra biển kéo lưới nên thoát được.
Tuy nhiên, đứng ở phía biển cách đó không xa, bà Khoe cùng con của mình nấp lại, chứng kiến gần như toàn bộ cuộc thảm sát.
Bà kể: "Khuya nào tôi cũng dẫn ba đứa con đi kéo lưới, hôm đó vừa ra khỏi nhà được một chút thì thấy lính Mỹ đi từ bến tàu lên bờ, rồi đến từng nhà tìm người. Nghĩ mấy ổng cũng đi như mọi lần thôi, nhưng đang kéo lưới tôi nghe tiếng súng nổ.
Xóm lúc đó có gia đình bà Mười, bà út Sồi, ông ba Đèo… đều bị giết chết hết. Anh chị em tôi cũng chết luôn. Thấy người thân mình chết mà mình không làm gì được."
Với bà Phạm Thị Lãnh (77 tuổi, ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) thì chuyện đã qua 47 năm nhưng bà còn nhớ như in.
Khi đó bà Lãnh đang mang thai, nghe tiếng súng đầu xóm, bà lùa năm đứa con xuống trảng xê. Đứa con trai lớn hờn trách bà: "Con biểu má đi, sao má không đi?". Bà kêu: "Sao bỏ tụi bây đi được, đi ra đó nó cũng bắn chết, ngồi im đi."
Theo bà Lãnh: "Hồi đó chồng tôi đi du kích, ổng với mấy ông trong xóm đều đi cả, lâu lâu mới về một chút rồi tầm chiều tối là đi ngay chứ đâu có ở nhà mà tiếp vợ con trốn giặc."
Ngồi trên chiếc võng cũ kỹ, bà Lãnh nhớ lại: "Khi họ tới nhà tôi, không tìm thấy người thì vô đập đồ ở trong nhà hết, mâm cơm mới cúng cha chồng cũng bị quăng xuống đất.
Mấy đứa nhỏ sợ khóc dữ lắm, tôi xé mền ra nhét vào miệng chúng để chúng im lặng. May mà họ không đốt nhà, nếu đốt thì chắc chết hết rồi.
Khi họ đi thì nhà tôi bò lên trên mặt đất, lúc đó lướt qua khắp nơi tôi tức giận lắm. Qua mấy ngày sau thằng lính Mỹ đó gặp lại tôi, nó hỏi tôi dám giết nó không, lúc đó còn cơn giận của mình tôi nói dám, sao lại không dám".
Quay sang bàn thờ không có di ảnh, chỉ có chứng nhận Tổ quốc ghi công mang tên Võ Văn Phong. Bà Lãnh tiếp tục: "Thằng con lớn của tôi, khi đó chỉ mới 12 tuổi.
Mấy ngày sau cuộc biệt kích, du kích về thăm xóm, nó nói: Má ơi, sáng tui đi miệt dưới một chút à, ai dè nó xin họ đi theo cách mạng để đánh giặc. Đến năm nó 17 tuổi thì hy sinh mà tôi không hề hay biết".
Trong khi những người khác quyết định bỏ qua thù hận, thì ông Nô vẫn đinh ninh ông không thể cho qua được. Đến bây giờ ông cũng không thể tha thứ cho ông Bob Kerrey.
Nhắc về cuộc đột kích năm 1969, không ai không nhắc đến ông Phạm Văn Nô (89 tuổi, cậu ruột của bà Nguyễn Thị Giang). Đang hạnh phúc, bỗng chốc mồ côi vợ và bốn người con, ông Nô gần như hóa điên, hóa dại.
Ông kể: "Lúc đó tôi không có ở nhà, sáng tôi đi dân công, tối làm du kích lâu lâu mới về thăm nhà một lần.
Về thăm nhà đợt đó không thấy ai đâu, hỏi ra mới biết cha mẹ, vợ và bốn đứa con đều bị giết hết hỏi sao không thù. Cho đến bây giờ tôi cũng không thể tha thứ cho ông ấy được".
Hòa bình rồi, oán thù không muốn giữ lâu
Gợi nhớ hồi ức, không ai không nhắc đến nỗi đau và thù hận, nhưng khi được hỏi nếu như bây giờ một trong những người lính Mỹ năm ấy đến nhà xin tha thứ thì mọi người có bỏ qua không. Ai cũng cho rằng thù hận thì không nên giữ lại, họ đã buông bỏ từ lâu rồi.
Với giọng run run, bà Giang hiền lành: "Bây giờ tôi cũng còn hận lắm chứ, cũng hiểu là giặc giã nhưng hận lúc đó sao mấy ổng không nương tay mà lại giết hại mọi người..
Nhưng hận mà cả nhà mình cũng không sống lại được, thì hận cũng chẳng được gì. Mình không thể như họ được, không thể giết gia đình họ để trả thù. Oán thù thì tôi cũng không muốn giữ lâu.
Nhưng mà giận à nghen, ví dụ các ông ấy có vô đây, nói xin lỗi thì gặp mặt họ chắc tôi cũng phải nóng nảy, tức giận, nói họ vài câu đó. Chứ đối diện người đã giết hết người thân mình sao mà không tức, nhưng xong rồi thì cứ tha thứ cho họ."
Bà Lãnh cho rằng: "Thời bình thì phải lo mần ăn, đừng thù hận gì nữa".
Bà Khoe tiếp lời: "Nghĩ lại thì chiến tranh mà, người ta cũng làm nhiệm vụ của người ta, nhưng lúc đó người ta không thương mình thì mình biết làm sao. Giờ hòa bình rồi, đã mấy mươi năm, quên thì không quên được, nhưng nếu cứ khư khư ôm hận như thế thì cũng chẳng ích lợi gì.
Cũng như nỗi đau của mình, họ cũng sẽ suy nghĩ về hành động đáng sợ của họ, rồi cũng tự dày vò mình thôi. Cứ để họ tự phán xét họ".
Khi mọi người biết ông Bob Kerrey đã trở lại Việt Nam với cương vị là Chủ tịch Hội đồng tín thác Trường ĐH Fulbright Việt Nam, thì ai cũng bất ngờ nhưng họ chỉ cười mà không có ý kiến gì về việc này.
Nhưng nghe tin ông Bob Kerrey đã nhận ra lỗi lầm của mình, và ngỏ lời xin lỗi người dân Việt Nam về nỗi đau ông đã gây ra cho họ năm 1969, người thân nạn nhân cho rằng, để thể hiện sự chân thành, thì ông Bob Kerrey nên về đây thắp hương tại bia tưởng niệm.
"Đằng này hơn 40 năm, nhóm lính Mỹ năm xưa có người còn, người mất. Thế nhưng chưa từng có một ai đến hối lỗi như họ nói. Chúng tôi không nhớ mặt họ, nhưng nếu họ chân thành, thì đó là chiến tranh, chúng tôi có thể giận họ, nhưng không ai trách họ cả", bà Giang chia sẻ.