Thành phố Biên Hoà là đô thị lọai I, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai. Phía Bắc giáp huyện Vĩnh Cửu, Tây giáp quận 9 thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam giáp huyện Long Thành, Đông giáp huyện Trảng Bom, Tây Bắc giáp huyện Dĩ An, huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương.
Thành phố Biên Hòa là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sông Đồng Nai chảy qua, cách thủ đô Hà Nội 1.684 km, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30 km, cách thành phố Vũng Tàu 90 km. Diện tích thành phố Biên Hoà 15.466 hecta, tổng diện tích tự nhiên là 264,08 km2.
Theo Cục thống kê Đồng Nai, với dân số đạt khoảng 1,1 triệu người, Thành phố Biên Hòa của tỉnh này hiện là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất ở Việt Nam hiện nay. Dân số Biên Hòa tương đương với dân số các thành phố trực thuộc Trung ương như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Quan điểm phát triển của thành phố là phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên cơ sở phát huy triệt để các yếu tố nội lực, gắn với tích cực thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tạo cơ cấu kinh tế bền vững theo hướng: Công nghiệp -Dịch vụ-Nông nghiệp.
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại tương xứng với đô thị loại II, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao, phát triển toàn diện và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa thành phố Biên Hòa với các huyện, thị xã Long khánh cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông nam bộ và phát triển bền vững: kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, dân số quá đông cũng khiến cho nhiều năm qua, đô thị Biên Hòa đối mặt với rất nhiều thách thức do hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa. Bức bách nhất vẫn là những vấn nạn về ùn tắc giao thông, tình trạng ngập nước, thiếu quỹ đất nhà ở, trường học…
Do đó, những năm qua, Đồng Nai cũng như Thành phố Biên Hòa dành nhiều nguồn lực đầu tư để cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị Biên Hòa, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Tại buổi giám sát về quản lý sử dụng đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 tại Sở Xây dựng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, với nhiều khu công nghiệp, Thành phố Biên Hòa đã thu hút một lượng đông dân cư tới sinh sống, làm việc. Từ đó, sức ép về dân số đã gây nên độ nén rất lớn cho đô thị Biên Hòa. Cộng với đó, công tác quản lý đô thị, quy hoạch chưa thực sự hợp lý, chưa thực sự khoa học dẫn đến tình trạng "có một đô thị Biên Hòa quá lớn nhưng kết cấu hạ tầng lại chưa đáp ứng nhu cầu".
Cũng theo ông Quản Minh Cường, đối với đô thị Biên Hòa hiện nay có rất nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục nhanh. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị phải có sự tính toán. "Khu vực trung tâm của đô thị Biên Hòa phải chấp nhận thực trạng đường bé, nhà nhỏ, phố nhỏ, chứ bây giờ cải tạo chỉnh trang đô thị cũng rất khó, không đủ kinh phí để thực hiện".
Với sự quá tải về dân số tại các phường nội đô, đô thị Biên Hòa đang được quy hoạch để mở rộng về phía Nam nhằm thực hiện việc giãn dân cho khu vực đô thị trung tâm. Cụ thể, theo định hướng phát triển cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm về phía Nam, đô thị Biên Hòa sẽ có 2 khu vực đô thị chính gồm khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống (phía Bắc của đô thị Biên Hòa) và khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa (phạm vi phía Nam đô thị Biên Hòa gồm các phường An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng).
Đây là những khu vực còn dư địa lớn về đất đai và tiềm năng để phát triển đô thị với các tuyến giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 - TP.HCM và đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành.