Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, dân số của thành phố Biên Hòa đã đạt khoảng 1,06 triệu người. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất ở Việt Nam hiện nay tương đương với dân số của các thành phố trực thuộc Trung ương như: Cần Thơ, Đà Nẵng. Trong khi đó, các thành phố trực thuộc tỉnh khác thường không có quá 600.000 người. Ảnh: Người Đồng Nai official.
Do sự tăng nhanh về dân số nên mật độ dân số trên địa bàn thành phố này cũng thuộc nhóm cao so với các đô thị lớn trên cả nước. Hiện nay, mật độ dân số bình quân của thành phố Biên Hòa đạt hơn 4.000 người/km2 - cao nhất cả tỉnh. Ảnh: Người Đồng Nai official.
Hiện nay, Biên Hòa là đô thị loại 1 tập trung trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, kể từ khi được công nhận đến nay, Biên Hòa vẫn được biết đến là đô thị không trung tâm. Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh trả lời trên báo Đồng Nai rằng: “Ai ở nơi khác đến hỏi khu trung tâm của thành phố Biên Hòa ở đâu thì rất khó để chỉ ra được. Một thành phố phải có khu trung tâm thì mới ra được nét đô thị đúng nghĩa”.
Trong năm 2021, UBND tỉnh đã có những phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại nhằm hình thành trục trung tâm của thành phố. Trên hình là trung tâm Hành chính công thành phố Biên Hòa vừa xây dựng với hy vọng tạo ra điểm nhấn cho khu vực trung tâm.
Thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam còn là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thế nên, UBND thành phố đặc biệt coi trọng việc phát triển hệ thống hạ tầng tạo đà cho sự phát triển toàn diện. Những năm qua, thành phố đã có nhiều dự án hạ tầng được xây dựng. Trong đó, 3 hầm chui và một cầu vượt đã đi vào hoạt động góp phần cải thiện áp lực giao thông cho thành phố.
Về mặt kinh tế, thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam hiện có 6 khu công nghiệp đang hoạt động ổn định với hơn 450 doanh nghiệp thuê đất để sản xuất kinh doanh. 5 năm qua, với giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng gần 11%/năm, ngành này tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của thành phố. Trong ảnh là khu công nghiệp Biên Hòa 2, nằm ngay tại cửa ngõ đầu mối giao thông khu vực tứ giác kinh tế: Đồng Nai – Bình Dương – Vũng Tàu – TP. HCM.
Bên cạnh đó, thành phố Biên Hòa cũng đang tập trung phát triển theo hướng hiện đại - xanh - thông minh. Thế nên, thành phố đã chú trọng đến việc xây dựng các công viên kết hợp trồng mới cây xanh nhằm gia tăng thêm mảng xanh cho đô thị Biên Hòa. Mới đây, thành phố vừa hoàn thiện công trình xây dựng công viên B5 với kỳ vọng là “lá phổi xanh” mới cho người dân.
Biên Hòa không chỉ là vùng đất phát triển kinh tế sôi động, mà còn là nơi chứa định nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Nổi bật là Văn miếu Trấn Biên - di tích lịch sử cấp quốc gia biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam.
Ngoài ra, Biên Hòa còn được biết đến là địa điểm du lịch lý tưởng khi sở hữu nhiều địa điểm du lịch thú vị như: Bửu Long, Vườn Xoài, Sơn Tiên… Đặc biệt, khu du lịch Bửu Long, nơi được ví như “vịnh Hạ Long thu nhỏ” của Đông Nam bộ thường xuyên thu hút được lượng lớn du khách từ các tỉnh lân cận đến để vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dân số nhanh khiến thành phố phải đối mặt với nhiều vấn đề về mặt an sinh xã hội. Để có thể giải quyết được bài toán khó này, nhiều năm qua UBND tỉnh đã có các chính sách về mặt: hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có mức đầu tư 3.300 tỷ đồng, được xây dựng tại thành phố Biên Hòa với kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng y tế trong khu vực và tỉnh.