14.668 tỷ đồng cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa
UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Đề án tập trung thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của 8 ngành: Ngành điện ảnh; Ngành nghệ thuật biểu diễn; Ngành mỹ thuật; Ngành nhiếp ảnh; Ngành triển lãm; Ngành quảng cáo; Ngành du lịch văn hóa; Ngành thời trang.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu phát triển, đưa TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.
Định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.
Giai đoạn 2026 - 2030, Đề án đặt mục tiêu phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 là 14.668 tỷ đồng gồm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tổ chức quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa. Trong đó ngân sách Nhà nước là 9.615 tỷ đồng, còn lại xã hội hóa.
Thành phố sẽ kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh về công nghiệp văn hóa, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm sáng tạo; củng cố nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật tại TPHCM.
Đồng thời, Thành phố sẽ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm di lịch văn hóa – lịch sử mang tính đặc trưng; hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên và đặc trưng, đặc sắc của Thành phố về các ngành công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, TPHCM có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm tỷ lệ 7,74% trong tổng số doanh nghiệp của toàn thành phố. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa ở TPHCM đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2019, con số này đã trên 84.123 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của ngành có sự sụt giảm, nhưng vẫn đạt 77.135 tỷ đồng.
Đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP của thành phố năm 2010 đạt tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 đạt 3,88%, trong đó ngành quảng cáo có tỷ lệ đóng góp lớn nhất. Năm 2020, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa ở thành phố phát triển thấp, đạt 36.732 tỷ đồng, chiếm 3,54% tổng GRDP của toàn thành phố. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 vào GRDP của toàn thành phố vẫn cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước (khoảng 3% GDP).
"Hòn ngọc Viễn Đông" - nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá
Thành phố Hồ Chí Minh cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay.
Một hình ảnh trong Lễ hội áo dài tại TPHCM.
Nơi đây một thời được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có tín ngưỡng, sắc thái văn hoá riêng góp phần tạo nên một nền văn hoá đa dạng.
TPHCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển, có nền văn hoá mang dấu ấn của người Việt Nam, Hoa, Chăm, Khơ me, Ấn… Đây cũng là một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước.
Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, sự đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng với hàng chục lễ hội văn hoá hàng năm đã tạo nên tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của mảnh đất phương Nam này.
Thành phố có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích và hệ thống bảo tàng phong phú. TPHCM không chỉ hấp dẫn du khách không chỉ vì có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, công trình kiến trúc cổ mà còn thu hút du khách bởi văn hoá ẩm thực mang đậm nét Nam bộ.
Kể từ năm 1990 trở lại đây, doanh thu du lịch của thành phố luôn chiếm từ 28 - 35% doanh thu du lịch của cả nước. Từ chỗ có 180.000 khách quốc tế vào năm 1990, đến nay đã có hàng triệu khách quốc tế mỗi năm, chiếm trên 50 - 70% lượng khách quốc tế vào Việt Nam.
Với vai trò đầu tàu trong đa giác chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá - du lịch, giáo dục - khoa học kỹ thuật - y tế lớn của cả nước.