Tình trạng thiếu nước trầm trọng đã buộc chính quyền thành phố phải đưa ra các giải pháp cấp bách, trong đó có đào giếng khoan mới, để khắc phục tình hình. Người dân phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để nhận nước cứu trợ từ xe bồn của chính phủ. Một quan chức địa phương trả lời phỏng vấn BBC: “Chỉ mưa mới có thể cứu Chennai khỏi tình trạng này”.
Chennai - là thành phố lớn thứ 6 của Ấn Độ theo điều tra dân số năm 2011 – đã rơi vào cảnh cạn kiệt nước từ nhiều tuần nay.
Khi các hồ chứa nước bắt đầu khô cạn, nhiều nhà hàng, khách sạn đã phải đóng cửa tạm thời. Hệ thống xe điện ngầm Chennai cũng phải tắt điều hòa không khí tại các nhà ga, trong khi các văn phòng đề nghị nhân viên làm việc tại nhà để tiết kiệm nước.
Ông Vinoth Kaligai, Chủ tịch hiệp hội người lao động trong ngành công nghệ thông tin, xác nhận một số hãng đã yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà. “Nhưng nếu nhà riêng của họ cũng hết nước thì sao, chúng ta phải làm gì đây”, ông nói thêm.
Cảnh xếp hàng dài chờ cấp nước. Ảnh: Getty
Cuộc khủng hoảng nước cũng châm ngòi nhiều vụ ẩu đả giữa người dân. Tuần trước, cảnh sát Chennai đã bắt giữ một người đàn ông chém hàng xóm vì tranh giành khẩu phần nước.
Giới chức Ấn Độ đang gấp rút tìm kiếm nguồn nước thay thế, trong khi Ủy ban nước sạch của thành phố bắt đầu xác định và dẫn nước từ các mỏ đá về cho người dân. Tuy nhiên, mối lo lớn ở đây chính là các hồ chứa cạn khô và nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm.
Ông Nakkeeran, nhà hoạt động xã hội cho rằng: “Cách duy nhất để tình hình khá lên là cải thiện mực nước ngầm. Chúng từng có nhiều năm khô hạn trước đây và nước ngầm là chính là cứu tinh”.
Đa số người dân Chennai hiện nay phải lệ thuộc vào xe bồn của chính phủ để lấy nước sinh hoạt. “Nếu năm nay ít mưa, chúng tôi sẽ bị suy sụp hoàn toàn”, một quan chức địa phương nói.
Trong thống kê mới nhất của Chính phủ Ấn Độ, khoảng 600 triệu dân ở nước này bị thiếu nước sinh hoạt. Các nguồn nước ngầm tại Ấn Độ đã cạn gần hết. Đây là vấn đề lớn nhất của quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Thêm vào đó, Ấn Độ chủ yếu là một nước nông nghiệp, với 80% nước được sử dụng để tưới cho cây trồng. “Các chính sách giống như một số bang miễn phí tiền điện cho nông dân hoặc trợ cấp đào nước ngầm dẫn đến tình trạng khai thác mất kiểm soát và lãng phí tài nguyên”, ông Suresh Rohilla, Giám đốc quản lý nước đô thị tại Trung tâm Khoa học và Môi trường phát biểu với CNN năm ngoái.
Khi Ấn Độ chuyển mình theo hướng đô thị hóa nhiều hơn và thêm hàng triệu người chuyển đến thành phố sinh sống, nhu cầu sử dụng nước càng gia tăng. Các thành phố bắt đầu tìm kiếm nguồn nước ở xa hơn, bơm về dùng thông qua đường ống dài hàng trăm km.
100 triệu người, bao gồm các cư dân thành phố lớn như Delhi, Bangalore và Hyderabad, sẽ sớm sống trong những thành phố không có nước ngầm. Tình trạng này còn bị tác động bởi yếu tố thay đổi khí hậu, khiến nguồn cung nước càng bị hạn chế. Mưa gió mùa thất thường hơn, trong khi hạn hán thường xuyên hơn, đe dọa mùa màng của nông dân. Mùa đông ngắn đi, trong khi mùa hè dài hơn và nóng hơn đang làm tan băng trên dãy Himalaya, nơi đổ vào những con sông ở miền Bắc Ấn Độ.