“Thành phố trăm tên” - Leeuwarden, thủ phủ của tỉnh Friesland, Hà Lan, nơi bao quanh bởi các bãi đầm lầy và biển Wadden. Là một phần lãnh thổ của đất nước Hà Lan, tuy vậy, cho tới ngày nay, nhiều người dân quốc gia này vẫn cho rằng nơi đây là lãnh thổ nước ngoài.
Leeuwarden được nhiều người nhận xét là “mớ hỗn độn nổi bật, kỳ lạ và tuyệt vời”. Nơi đây sở hữu quảng trường lịch sử Oldehoofsterkerkhof, “tòa tháp dang dở” De Oldehove, có độ nghiêng hơn cả tháp nghiêng Pisa. hay bảo tàng gốm sứ quốc gia Princessehof rực rỡ.
Thế nhưng điều khiến Leeuwarden hấp dẫn hơn cả lại nằm chính ở tên gọi của nó. Trong khoảng thời gian suốt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, nơi đây không biết bao lần thay tên đổi họ để chính thức trở thành Leeuwarden như ngày hôm nay.
Danh sách ghi lại đầy đủ 225 tên gọi của Leeuwarden trong suốt nhiều thế kỷ qua. Ảnh: Mike MacEacheran
Từ thế kỷ 10, Leeuwarden bắt đầu có dân cư sinh sống. Cũng kể từ đó, tên gọi của nó cũng thiên biến vạn hóa. Trong sách Kỷ lục Guinness ghi chép, trước đây, Leeuwarden từng có tới 225 tên gọi.
Một trong những nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ việc Friesland là một tỉnh song ngữ, người dân có thể nói cả tiếng Frisia và Hà Lan. Bên cạnh đó, nơi đây còn có sự đa dạng vùng miền, khi có tới 128 quốc tịch khác nhau tụ hội tại nơi đây, thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ.
Nhà sử học Henk Oly, công tác tại Trung tâm lịch sử Leeuwarden, cho biết: “Trước năm 1804, Leeuwarden không có một cái tên chính thức nào.
Nó biến đổi chủ yếu thông qua cách viết. Ví dụ, một số người có thể viết Ljouwerd hoặc Ljouwert, vì cách phát âm chữ ‘d’ và ‘t’ không khác nhau nhiều. Hoặc Lyouwerd, Ljouwerd hoặc Liouwerd đều phát âm theo cùng một cách.
Khi người dân kết hợp các biến thể trong cách viết, tên gọi của Leeuwarden bỗng trở nên vô tận. Ngay cả cho tới ngày nay, tên của nhiều thị trấn và khu làng tại Hà Lan vẫn chưa được chính phủ chính thức chuẩn hóa”.
Từ năm 1500 - 1520, Leeuwarden sở hữu hàng chục cách viết, thay đổi theo chu kỳ hai năm một lần. Năm 1838, Wopke Eekhoff, con trai của một thợ bạc quyết tâm ghi chép lại sự thay đổi trong tên gọi của thành phố này.
Theo cuốn sổ của Wopke Eekhoff, vào năm 1039, Leeuwarden bắt đầu có tên chính thức là Livnvert. Đến năm 1846, nó được đổi lại thành Luweden.
Năm 1864 và 1884, Viện Khoa học Hoàng gia Hà Lan và Viện Địa lý Xã hội Hoàng gia Hà Lan xuất bản một danh sách về cách viết các địa danh của đất nước, dựa theo đúng chuẩn chính tả hiện đại.
Tuy vậy, Leeuwarden vẫn không có cách viết chính thức. Theo tiếng tiếng Hà Lan, “thành phố trăm tên” được viết chuẩn là Leeuwarden, trong khi đó nó lại là Ljouwert theo tiếng Frisia.
Một góc yên bình tại Thủ đô Văn hóa châu Âu cho năm 2018. Ảnh: Mike MacEacheran
Một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Tên gọi hiện tại xuất phát từ ‘Leeuw’, có nghĩa là không có gió và ‘warden’ - những ngọn đồi nhỏ. Một ngọn đồi không nổi gió thể hiện rằng nó là vùng đất yên bình”.
Đúng như ý nghĩa tên gọi, Leeuwarden tuy giống nhiều địa điểm khác tại Hà Lan, quốc gia sở hữu những ngôi nhà có mái đầu hồi, con kênh uốn khúc và làn đường dành cho xe đạp trải đầy dây thường xuân.
Tuy vậy, cuộc sống ở Leeuwarden lại chậm hơn. Người dân sống một cuộc sống không hối hả. Họ cũng ý tứ và ít thẳng tính hơn những người đồng bào sống ở phía nam đất nước.
Và thêm một lần nữa Leeuwarden chứng tỏ bản thân cho cả thế giới thấy được sự tuyệt vời của nó khi trở thành Thủ đô Văn hoá của châu Âu.
Thủ đô Văn hóa châu Âu là thành phố được Liên minh châu Âu lựa chọn tổ chức một chuỗi các sự kiện văn hóa đa dạng trong thời gian một năm.
Việc được chọn là Thủ đô Văn hóa châu Âu là cơ hội để tạo ra lợi nhuận về kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời giúp nâng cao và quảng bá hình ảnh thành phố đó trên bình diện quốc tế.
Ủy ban của Liên minh châu Âu điều hành danh hiệu này và mỗi năm Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh châu Âu chọn một Thủ đô Văn hóa châu Âu.
Một ủy ban gồm các nhà chuyên gia về văn hóa có nhiệm vụ đánh giá đề cử của các thành phố tuân theo tiêu chuẩn đề ra bởi Liên minh châu Âu.
Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy việc được chọn là Thủ đô Văn hóa châu Âu là chất xúc tác cho sự phát triển văn hóa và biến đổi của thành phố.
Tầm ảnh hưởng và sự phát triển văn hóa - xã hội của thành phố được chọn hiện cũng được xem xét trong việc lựa chọn thành phố là Thủ đô Văn hóa châu Âu.