Thành phố 160 năm tuổi của Nga vừa bị dân mạng TQ đòi "chủ quyền" thực sự có mối liên hệ gì với TQ?

Hồng Anh |

Tuần trước, vào dịp kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố Vladivostok, một số nhà ngoại giao và nhà báo của Trung Quốc đã sử dụng các kênh mạng xã hội để phản bác và chỉ trích Nga.

Báo Indian Express (Ấn Độ) đưa tin, khi Vladivostok, thành phố chính ở vùng Viễn Đông Nga kỷ niệm 160 năm thành lập vào ngày 2/7 vừa qua, nơi này đã nhận về một "làn sóng" phản ứng gay gắt từ những người dùng mạng xã hội Trung Quốc, tuyên bố rằng vùng Primorsky Krai - nơi có thủ phủ là thành phố Vladivostok - từng thuộc về Trung Quốc.

Mặc dù những tuyên bố trên không phải do Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức đưa ra, nhưng chúng đã xuất hiện trong một thời điểm khá nhạy cảm khi gần đây những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Ấn Độ, hay việc Bắc Kinh tuyên bố yêu sách lãnh thổ tại Bhutan... đang là những chủ đề "nóng" và rất được dư luận quan tâm.

Trước khi Primorsky Krai trở thành lãnh thổ của Nga vào năm 1860, nơi này từng là một phần đất Mãn Châu thuộc quyền kiểm soát của Nhà Thanh. Vào thời điểm đó, thành phố Vladivostok từng có tên là Hải Sâm Uy, theo Indian Express.

Artyom Lukin, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông tại Vladivostok, giải thích rằng trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (9/1839 - 8/1842) nổ ra giữa Đế quốc Anh và Nhà Thanh, Đế quốc Anh đã khai phá vùng đất này và lập bản đồ. Khi đó, người Anh đã đặt tên cho cảng Vladivostok là Port May, theo ông Lukin.

Khi nói về các cuộc Chiến tranh Nha phiến, người ta không thường đề cập hoặc để ý tới vai trò của Nga. Tuy nhiên, ông Lukin cho biết, nhờ vai trò độc nhất của mình - đặc biệt là trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai - Nga đã có được quyền kiểm soát trên một phần lớn lãnh thổ Mãn Châu cũ, bao gồm Vladivostok - hải cảng lớn nhất Thái Bình Dương.

Khu vực phía Đông Nam của nước Nga - giáp với Triều Tiên và Trung Quốc - trước đây từng là nơi xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Trung Quốc, một phần vì Trung Quốc tuyên bố nơi đây từng thuộc về vùng "Ngoại Mãn Châu". Một số nhà nghiên cứu tin rằng cái tên "Ngoại Mãn Châu" chính là cách Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền tại khu vực này.

Thành phố 160 năm tuổi của Nga vừa bị dân mạng TQ đòi chủ quyền thực sự có mối liên hệ gì với TQ? - Ảnh 2.

Trung Quốc từng tuyên bố khu vực màu đỏ trên bản đồ thuộc về vùng "Ngoại Mãn Châu". Ảnh: Wikimedia Commons

Tranh chấp lãnh thổ giữa Nga-Trung thực tế đều đã được giải quyết?

Có thể nói rằng giữa Trung Quốc và Nga đã xảy ra tranh chấp lãnh thổ từ thời điểm sớm hơn nữa, khi Nga khuyến khích người dân nước này khai phá vùng Viễn Đông. Tới năm 1680, Nhà Thanh đã kiểm soát khu vực này, cuối cùng dẫn đến việc hai nước ký kết Hiệp ước Nerchinsk vào năm 1689. Theo hiệp ước này, Nga đã chấp nhận từ bỏ tranh chấp chủ quyền ở vùng Ngoại Mãn Châu.

Theo Indian Express, Nga được cho là đã chờ đợi cơ hội "phản công" trong cuộc chiến Nha phiến lần thứ 2 vào năm 1856. Trước nguy cơ bị quân Anh và Pháp tấn công, nhà Thanh đã buộc phải nhượng bộ trước Nga và chấp nhận trao lại vùng đất Primorsky Krai để giảm bớt một mặt trận ở phía Bắc. Hai bên đã ký kết Hiệp ước Aigun năm 1858, về cơ bản chia biên giới giữa Nga và Trung Quốc dọc theo sông Amur (Hắc Long Giang).

Mặc dù vậy, sử sách Trung Quốc đã gọi Hiệp ước Aigun là một "thỏa thuận bất công", Indian Express cho hay. Theo nhà sử học Natasha Kuhrt, nhiều thập kỷ sau khi hai nước ký kết Hiệp ước Aigun, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nga đầu tiên, ông Boris Yeltsin (1991 - 1999), khi chính sách mở cửa biên giới và tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước được xúc tiến, sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông Nga đã gia tăng đáng kể.

Nhà sử học này viết: "Vào thập niên 1960, nhà nghiên cứu người Đức Klaus Mehnert đã phỏng vấn những người Trung Quốc trẻ tuổi về Vladivostok, và hầu hết tất cả những nười được hỏi đều nói rằng Vladivostok từng có tên là Hải Sâm Uy 'trước khi vùng đất này bị người Nga lấy mất'."

Tuần trước, khi Đại sứ Nga đăng tải một video trên mạng xã hội Weibo để kỷ niệm 160 năm thành lập Vladivostok, một số nhà ngoại giao và nhà báo của Trung Quốc đã sử dụng các kênh mạng xã hội để phản bác và chỉ trích Nga, nhắc nhở rằng Vladivostok từng là một phần của Trung Quốc.

Những bình luận kể trên đã tạo ra một làn sóng trên mạng xã hội, tuy nhiên thực tế, các tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Trung Quốc đã được giải quyết bằng một loạt các thỏa thuận được ký kết vào các năm 1991, 1994 và 2004, theo Indian Express.

Ngày nay, vùng Primorsky Krai, với thủ phủ là Vladivostok, đã trở thành một khu vực trọng yếu trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế và quân sự tại khu vực Thái Bình Dương. Chính quyền Nga đã đặt căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương tại cảng Vladivostok.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại