Thanh niên Trung Quốc đổ xô xin đi “làm rể”: Chấp nhận "vứt" bằng Đại học, bỏ việc lương 2 tỷ/năm để được ở biệt thự, đi xe sang

Ngọc Linh |

Nghề làm rể đang là “mảnh đất màu mỡ” của thanh niên và các công ty môi giới hẹn hò ở Trung Quốc.

Li Jiyan (69 tuổi) - Giám đốc điều hành một công ty môi giới hẹn hò ở tỉnh Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) cho biết mỗi năm, có hàng trăm thanh niên sử dụng dịch vụ môi giới hẹn hò mà công ty ông cung cấp.

“Trong số đó có rất nhiều người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ với mức lương trung bình hàng năm là 500.000 NDT (khoảng hơn 1,7 tỷ đồng). Họ sẵn sàng từ bỏ công việc văn phòng để ở nhà làm chồng, chăm lo cho gia đình” - Ông Li Jiyan nói.

Vừa hay, tệp khách hàng là phụ nữ của công ty môi giới hẹn hò mà ông Li Jiyan đang điều hành, chủ yếu là những phú bà lắm tiền nhiều của.

Thanh niên Trung Quốc đổ xô xin đi “làm rể”: Chấp nhận "vứt" bằng Đại học, bỏ việc lương 2 tỷ/năm để được ở biệt thự, đi xe sang- Ảnh 1.

Ông Li Jiyan

Tiêu chí chọn nhân sự “làm rể” vô cùng khắt khe: Phải có bằng Đại học, điểm tín dụng tốt và không được có hình xăm!

Trong những năm qua, doanh nghiệp của Li Jiyan “giúp” 1.000 người phụ nữ thành đạt xây dựng gia đình, đồng nghĩa với việc có 1.000 người đàn ông đã từ bỏ công việc văn phòng để đi làm rể.

Ở văn phòng của Li Jiyan, có 6 chiếc điện thoại di động dùng làm số hotline. Trung bình cứ 10 phút lại có 1 người đàn ông liên hệ theo số hotline của công ty, để hỏi về tiêu chí chọn ứng viên làm rể.

Để đảm bảo tỷ lệ thành công của những ca môi giới làm rể, Li Jiyan đặt ra những tiêu chí sàng lọc ứng viên vô cùng nghiêm ngặt.

- Phải có bằng Đại học trở lên, mức lương tối thiểu hàng năm là 120.000 NDT (hơn 420 triệu đồng).

- Điểm tín dụng tốt, không có lịch sử vay nợ hay nợ xấu.

- Trên người không được phép có hình xăm.

- Chưa từng kết hôn.

- Gia đình không có tiền sử mắc các bệnh hiểm nghèo.

Sau khi vượt vòng hồ sơ, ứng viên cần đi công chứng bản sao CMND, bản sao hộ khẩu (để chứng minh bạn chưa lập gia đình), bằng cấp học thuật, phiếu khám sức khỏe (sàng lọc bệnh di truyền), v.v. và đăng ký lại với những tài liệu này để trước khi bắt đầu phỏng vấn.

Ứng viên nam càng có nhiều tài liệu chứng minh được sự xuất sắc của bản thân, thì tỷ lệ được chọn làm rể càng cao. Một số người thậm chí còn mang theo giấy chứng nhận hiến máu cùng 1 xấp giấy tờ chứng minh quá trình hoạt động thiện nguyện. Cha mẹ của người phụ nữ sau khi nhìn thấy đã rất hài lòng.

Li Jiyan sẽ cẩn thận kiểm tra thông tin của từng người và tiến hành ghép đôi, cho ứng viên nam và ứng viên nữ gặp nhau dưới dạng một cuộc hẹn blind date: chỉ trò chuyện và không ai biết mặt ai.

Thanh niên Trung Quốc đổ xô xin đi “làm rể”: Chấp nhận "vứt" bằng Đại học, bỏ việc lương 2 tỷ/năm để được ở biệt thự, đi xe sang- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Theo quy ước, khi được chọn vào vị trí làm rể, người đàn ông sẽ nhận được những quyền lợi tối thiểu như sau: Được cấp một căn nhà rộng 70m2 hoặc nhận 2,1 triệu NDT tiền mặt (khoảng 7,3 tỷ đồng); một chiếc xe ô tô đời mới.

Đổi lại, đứa con chung sẽ mang họ mẹ. Người chồng sẽ phải chịu trách nhiệm nuôi con với sự hỗ trợ của ít nhất 1 bảo mẫu. Đến tuổi đi học, đứa trẻ sẽ được hưởng chất lượng giáo dục chuẩn quốc tế kể từ mẫu giáo.

Nếu cả hai ly hôn, người chồng sẽ không được phép tranh chấp quyền nuôi con với vợ. Những điều kiện này thu hút hàng ngàn thanh niên ứng tuyển công việc làm rể, làm chồng. Giữa làn sóng sa thải, công việc bấp bênh và giá BĐS tăng cao, nhiều thanh niên cảm thấy bất an vì bản thân có thể thất nghiệp bất cứ lúc nào. Nếu may mắn giữ được việc làm, với mức lương hiện tại, cũng chẳng biết tới khi nào họ mới có đủ tiền để mua nhà, lấy vợ và sinh con” - Ông Li Jiyan chia sẻ.

Công việc có tính cạnh tranh khốc liệt: Sinh viên mới ra trường hay những “ông chú” trung niên đều muốn ứng tuyển làm rể

Li Jiyan cho biết có rất nhiều sinh viên năm cuối Đại học đã chủ động liên hệ với ông để ứng tuyển vị trí “làm rể”.

Hoàn cảnh chung của những bạn trẻ này thường là xuất thân từ những vùng quê hẻo lánh, gia đình không mấy khá giả, thậm chí là nợ nần rất nhiều. Vì muốn hỗ trợ bố mẹ trả nợ, họ khao khát muốn được đi làm rể ngay sau khi tốt nghiệp Đại học.

Tuy nhiên, Li Jiyan luôn từ chối tiếp nhận hồ sơ của những bạn trẻ như vậy.

Thanh niên Trung Quốc đổ xô xin đi “làm rể”: Chấp nhận "vứt" bằng Đại học, bỏ việc lương 2 tỷ/năm để được ở biệt thự, đi xe sang- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

“Sinh viên đại học bây giờ khó tìm được việc làm ngay sau khi ra trường. Thậm chí, họ còn có những khoản nợ sinh viên khổng lồ phải trả. Áp lực tài chính khiến họ coi việc lấy một cô vợ giàu là con đường ngắn nhất để thành công, để có thể trả nợ trong thời gian ngắn nhất.

Nhưng một chàng trai chưa trưởng thành, chưa từng đi làm, thậm chí là chưa từng yêu đương hẹn hò, làm sao có thể đủ chín chắn để xoay sở, đối mặt với những vấn đề trong hôn nhân?” - Li Jiyan chia sẻ.

Bên cạnh những thanh niên trẻ mới tốt nghiệp Đại học, cũng có không ít đàn ông trưởng thành thuộc thế hệ 6x đên 9x muốn ứng tuyển công việc làm rể, chủ yếu vì những thất bại tài chính trong quá khứ của họ.

Một kỹ sư phần mềm đến từ Thượng Hải, tốt nghiệp Đại học từ năm 1985 đã kiên trì ứng tuyển vị trí làm rể không dưới 5 lần vì áp lực nợ nần do kinh doanh thất bại. Ở độ tuổi gần trung niên, làm rể có lẽ là giải pháp cuối cùng, nhưng đương nhiên, Li Jiyan đã từ chối hồ sơ của anh một cách không thương tiếc.

“Làm rể không phải là con đường thoát nợ của những thanh niên hay những người đàn ông trung niên thiếu ý chí, lười làm nhưng lại muốn cuộc sống giàu sang. Các gia đình sẵn sàng cho con rể và đứa cháu của họ điều kiện sống tốt nhất, không chi bộn tiền để rước một người đàn ông nợ nần, vô công rồi nghề về làm người nhà. Họ không phải kẻ ngốc” - Li Jiyan khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại