Mới đây, chương trình Chat với mẹ bỉm sữa đã lên sóng với sự xuất hiện của ca sĩ Thanh Ngọc, cựu thành viên nhóm Mắt Ngọc. Tại đây, nữ ca sĩ đã chia sẻ về cuộc sống gia đình của cô bên chồng và con trai 3 tuổi.
Hai chân tôi teo luôn
Để có được sự viên mãn hiện tại, tôi phải đánh đổi không ít thời gian, nước mắt và nỗi đau từ thể xác đến tinh thần.
Thanh Ngọc (ngoài cùng bên trái)
Tôi kết hôn năm 2011. Sau 2 năm tận hưởng cuộc sống vợ chồng son, tôi mới lên kế hoạch sinh con đầu lòng.
Tuy nhiên, khi đi kiểm tra, tôi mới phát hiện buồng trứng dự trữ của mình ít quá nên khó để thụ thai được.
Tôi phải chạy khắp nơi tìm các phương thuốc Bắc để uống, cũng may mắn đậu thai tự nhiên nhưng lại sảy chỉ sau 2 ngày. Từ hạnh phúc đến thất vọng, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang Tây Y để bắt đầu một hành trình cầu con gian nan, chịu thử thách cả thể chất lẫn tinh thần:
Tổng cộng tôi kích trứng đến 7 lần, đậu 3 lần thụ tinh ống nghiệm nhưng lại không giữ được.
Bé Ủn là cái phôi cuối cùng tôi làm ở tuổi U40, sau 8 năm trông ngóng. Khi thử que lên 2 vạch, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Trong thai kỳ, tôi luôn lo lắng, không dám chụp hình khi mang bầu.
Lúc đầu, tôi bị ra máu nhiều do thai bị bóc tách. Bác sĩ khuyên tôi ráng nằm dưỡng nên tôi phải nằm yên từ lúc bỏ phôi vô tới lúc sinh, hai chân tôi teo luôn vì không được đi lại. Khi cần đi khám, chồng tôi sẽ ẵm đi, tôi chỉ bước chân xuống giường khi cần đi vệ sinh thôi.
Tôi chỉ kịp sờ vào người con
Suốt thai kỳ, gần như tôi phải nằm dưỡng thai một chỗ vì cơ địa tôi khá yếu, dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Từ một người hoạt bát, vui vẻ và tràn đầy năng lượng tích cực, tôi không ít lần đối mặt với sự bức bối, sa sút tinh thần.
Nhưng may mắn trong suốt giai đoạn khó khăn tâm lý đó, anh chồng bác sĩ của tôi vẫn luôn bên cạnh hỗ trợ, động viên nhau cùng cố gắng vững lòng.
Khoảnh khắc con trai chào đời, tôi chưa kịp vui mừng đã phải lao vào cuộc chiến tiếp theo. Tôi có quá nhiều vấn đề nên một tuần phải đi khám một lần. Cổ tử cung của tôi bị yếu, tới tuần 23 phải vào viện nằm 1 tháng rưỡi để đặt vòng nâng đỡ cổ tử cung giữ em bé lại.
Tôi bị khó sinh vì em bé còn nhỏ quá, bác sĩ phải đè bên hông của tôi xuống tới mức bầm đen.
Con tôi sinh ra nặng đúng 1,6 kg, quá nhỏ và yếu. Tôi chỉ kịp sờ vào người con, chưa kịp nhìn thì bác sĩ đã bế vội sang viện khác để chăm sóc.
Tôi phải chạy đi chạy lại giữa hai bệnh viện để lấy sữa từ mình qua cho con, một ngày bé uống tới 9 cữ. Được 1 tuần sau sinh, tôi được chuyển sang một bệnh viện khác nằm thêm 5 tuần.
Thời gian đó, ngày nào vợ chồng tôi cũng lên ấp con 3 lần. Tôi tập cho con bú mà miệng bé nhỏ quá nên 3 tháng sau bé mới bú được.
Trong khoảng thời gian khó khăn đó, tôi đã khóc rất nhiều, nhưng nhìn con mỗi ngày phát triển tốt hơn, tôi cũng được an ủi phần nào. Ngày con được về nhà, vợ chồng tôi đã vỡ oà hạnh phúc nhưng cũng chồng chất nỗi lo lắng.
Sau khi sinh, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh rối loạn lo âu. Gần đây, tôi thấy lo nhiều hơn, tâm lý hiện tại cũng đang không được ổn định lắm.
Tôi hay tưởng tượng tùm lum, bị cầu toàn quá nên cái gì cũng ôm vào mình, cuối cùng bị căng thẳng. Tôi không tin tưởng ai để mà giao con cho họ chăm.
Sự viên mãn hiện tại của tôi đã chứng minh những đau đớn, vất vả hai vợ chồng tôi bỏ ra đều là xứng đáng.