Mùa xuân ngắn ngủi, thực sự có thể dùng cụm từ "mỗi ngày một cảnh" để miêu tả tốc độ phát triển của hoa cỏ cây cối vào mùa này. Vì vậy, người xưa luôn nhắc nên tranh thủ ngắm cảnh đẹp của mùa xuân càng sớm càng tốt, thưởng thức thực phẩm mùa xuân tươi ngon cũng đừng chậm trễ.
Khoảng thời gian trước và sau Thanh Minh, ngải cứu đang ở thời điểm tươi ngon nhất, người am hiểu ẩm thực sẽ tranh thủ ăn nhiều lần, còn có nhiều người sẽ hái phơi dự trữ. Đây đều là những mẹo chăm sóc sức khỏe từ ngải cứu mà thế hệ trước đã để lại.
Thanh Minh ăn ngải cứu, bách bệnh không quấy rầy
Từ xa xưa, ngải cứu đã được gán cho nhiều danh hiệu đẹp đẽ như "cỏ dưỡng sinh cho phụ nữ", "vua của các loại thảo dược"..., chứng tỏ vị thế quan trọng của nó trong lòng mọi người.
Từ 3000 năm trước, con người đã biết ăn ngải cứu. Cùng sự phát triển của văn hóa truyền thống, liệu pháp hơ ngải cứu ra đời, còn gọi là moxa.
Ngoài ra, ngải cứu còn có ý nghĩa xua đuổi tai họa, mang lại may mắn, trong dịp Tết Đoan Ngọ, người dân Trung Quốc có tục lệ treo ngải cứu trên rầm cửa.
Không chỉ vậy, giá trị quan trọng của ngải cứu còn được thể hiện trong y học. Vừa là thực phẩm vừa là thuốc, ngải cứu đã tỏa sáng trong lĩnh vực y học cổ đại, nhiều sách y học đều thấy bóng dáng của nó.
Trong "Bản thảo cương mục" có ghi chép rằng: "Lá ngải có thể chữa trị bách bệnh". Bởi thế, dân gian mới có câu:"Thanh Minh ăn một loại rau, bách bệnh không quấy rầy", ám chỉ ngợi ca sự tuyệt vời của ngải cứu.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, bên trong ngải cứu chứa nhiều các hợp chất dễ bay hơi, protein thực vật, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, kali, canxi, magie, sắt... có ích trong việc kháng khuẩn, ích khí hoạt huyết, trừ ẩm tán hàn, làm đẹp da, dưỡng phổi, giảm ho, tăng cường sức đề kháng... Chúng thực sự có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Tết Thanh Minh cũng là dịp lá ngải cứu xanh mướt, mùa thu hoạch ngải cứu đã đến nên mọi người hãy ăn càng nhiều càng tốt. Nếu không ăn hết, bạn có thể đem phơi khô rồi dự trữ dùng dần. Mỗi lần nhớ đến hương vị ngải cứu, bạn có thể lấy ra làm bánh, đun nước tắm, ngâm chân... đều có mùi hương khó quên, lại lợi sức khỏe rất nhiều.
Lưu ý dùng ngải cứu vào dịp Tết Thanh Minh, tránh hại sức khỏe không đáng có
- Khi hái lá ngải cứu, cố gắng chọn nơi trồng sạch sẽ, hái lá nên chọn ở phần ngọn, phần rau non nhất. Bạn cũng có thể mua sẵn ở chợ nhưng cần chọn lọc phần tươi non để ăn mới đem lại nhiều lợi ích. Với phần lá ngải cứu già hơn, bạn có thể rửa sạch sau đó phơi khô, mùa hè dùng để đuổi muỗi, mùa đông để ngâm chân sẽ chăm sóc cơ thể rất tốt.
- Không ăn, uống nước lá ngải cứu nếu bạn đang mang thai hoặc có khả năng mang thai, bởi ngải cứu có thể gây co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai.
- Thận trọng khi sử dụng ngải cứu nếu bạn đang trong quá trình điều trị bệnh đặc biệt hoặc bạn có tiền sử dị ứng với các loại thảo mộc.
- Không sử dụng ngải cứu trên da nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc đang gặp các vấn đề về da như viêm da, eczema.
- Không sử dụng ngải cứu với liều lượng lớn hoặc trong thời gian dài mà không có sự tham vấn của bác sĩ, chuyên gia y tế.
- Nếu bạn có bất kỳ phản ứng bất thường nào sau khi sử dụng ngải cứu, hãy dừng sử dụng và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.