Phải tập thích nghi với thời tiết
Thường mỗi lần xuất quân đi thi đấu ở AFF Cup hay SEA Games, các đội tuyển bóng đá Việt Nam luôn sang trước địa điểm tổ chức giải từ 5 ngày đến một tuần để kịp thích nghi với việc thay đổi nhiệt độ, khí hậu, độ ẩm…
Đa phần thời tiết ở tất cả các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đều khá tương đồng với nhau. Khác biệt nằm ở chỗ nền nhiệt độ sẽ thay đổi giữa mùa đông và mùa hè, thời điểm thường diễn ra những sự kiện lớn trong khu vực.
"Nếu phải thi đấu ở quốc gia nào thuộc Đông Nam Á vào mùa hè, chúng tôi cần ít nhất từ 2 đến 3 ngày để thích nghi với khí hậu ở địa điểm diễn ra giải.
Thời tiết sẽ dễ chịu hơn vào mùa đông, chỉ cần 1 hoặc 2 buổi tập chúng tôi đã có thể nhanh chóng bắt nhịp được với nhiệt độ cũng như độ ẩm.
Hầu hết các nước Đông Nam Á đều có nền nhiệt độ và các mùa trong năm tương tự như nhau. Chỉ riêng Hà Nội là có mùa đông khá rét, đây cũng là khó khăn của các đội bóng khác khi đến đây thi đấu đúng vào mùa đông của Thủ đô", tiền vệ Phạm Thành Lương chia sẻ.
Thành Lương sẽ cùng ĐT Việt Nam tham dự AFF Cup 2016.
Điều kiện sân bãi tập luyện không được tốt
Thường trước khi bước vào những trận đánh lớn ở AFF Cup hay SEA Games, Thành Lương cùng như các đồng đội sẽ được VFF tạo điều kiện tập huấn ở những địa điểm có mặt sân tốt, đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình tập huấn.
Tuy nhiên, khi chính thức bước vào giải, khi rất nhiều đội bóng cùng tụ hội về quốc gia tổ chức giải, nhu cầu tập luyện tăng cao… Không phải bất kỳ đất nước nào, cũng có đầy đủ cở sở vật chất để có thể phục vụ tốt nhất cho rất nhiều đội bóng cùng một thời điểm.
"Trong số các nước tôi và các đồng đội đặt chân đến, Thái Lan và Singapore là hai quốc gia có cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi tốt nhất.
Hầu hết các sân vận động ở hai đất nước này đều đạt tiêu chuẩn FIFA. Từ mặt sân có, phòng sinh hoạt và an ninh cho các đội bóng đều được họ quan tâm rất kỹ lưỡng.
Thái Lan có số lượng sân tập khá nhiều, cùng một lúc có thể phục cho khoảng 4 đội bóng cùng tập luyện. Điều đó hoàn toàn bình thường, bởi ở Thái Lan mỗi đội bóng đều có Học viện riêng, mỗi địa phương tổ chức đều có 1 sân chính và 5 đến 6 sân tập.
Ngoại trừ Thái Lan và Singapore, những quốc gia khác không có được cơ sở vật chất đầy đủ và tiện nghi như thế. Mỗi lần thi đấu ở Myanmar, Malaysia… chúng tôi phải tập làm quen trên những mặt sân cỏ không được tốt.
Tuy nhiên, tất cả đều phải vượt qua khó khăn để đạt được thành tích tốt nhất", quả bóng vàng Việt Nam 2014 trải lòng.
Nước mắm, mỳ gói, ruốc luôn là bạn đồng hành
Mỗi lần hành quân ra nước ngoài thi đấu, ngoài việc phải mang vác khá nhiều hành lý như quần áo, đồ dùng cá nhân… những món ăn đậm chất Việt cũng luôn là bạn đồng hành của các tuyển thủ mỗi lần vác chuông đi đánh xứ người.
Mỳ gói luôn có trong danh sách những thứ cầu thủ thi đấu xa nhà mang theo.
Mỳ gói, nước mắm và ruốc là những thực phẩm không thể thiếu trong hành lý của các tuyển thủ cho mỗi chuyến đi xa khỏi Việt Nam từ 10 đến 15 ngày.
Gần như biết được đó là "bảo bối" không thể thiếu của các ông chồng nên vợ của các tuyển thủ như Thành Lương, Vũ Minh Tuấn luôn chuẩn bị sẵn cho chồng những món lương thực bình dân nhưng sẽ rất quý khi xa nhà.
Các cầu thủ "tự biên tự diễn" với đồ ăn Việt Nam.
"Ngoại trừ khi phải sang các nước đạo hồi như Malaysia thi đấu chúng tôi gặp khó vì họ không ăn thịt heo, các quốc gia còn lại món ăn họ chế biến hương vị cũng khá giống như ở Việt Nam.
Nhưng vì phải xa nhà lâu ngày nên lúc nào trong hành lý của chúng tôi đều có những gói mỳ, chai nước mắm nhỏ và ít ruốc.
Một vài ngày đầu có thể dùng món ăn của nước bạn, nhưng sau đó kiểu gì cũng nhớ hương vị Việt Nam. Và tô mỳ gói, bỏ ít ruốc, dằm tý ớt sẽ làm chúng tôi vơi đi nỗi nhớ những món ăn ở quê nhà.
Đặc biệt riêng với nước mắm, trong các bữa ăn chính toàn đội luôn pha bát nước mắm chấm để dùng với những món ăn do đầu bếp nước ngoài chế biến. Dù rằng ở nước ngoài nhưng các bữa ăn đều có hương vị Việt, nước mắm là sợi dây kết nối", tiền vệ của HN-T&T chia sẻ.