Nhạc Cách mạng Việt Nam là một kho tàng đồ sộ cả về khối lượng tác phẩm lẫn chất lượng âm nhạc, đã được vô vàn giọng ca danh tiếng thể hiện. Trong đó nổi bật lên 3 giọng nữ với 3 màu sắc, phong cách hát độc đáo, riêng có.
Và cả 3 nữ nghệ sĩ này đều tiên phong cho cho nhạc Cách mạng ở phong cách, trường phái, bản ngã riêng của mình, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ đàn em.
NSND Thanh Huyền – trường phái nhạc Cách mạng dân ca Bắc Bộ
Từ khi còn bé, Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng bởi những điệu hát văn dân tộc và sớm bộc lộ năng khiếu thiên phú, hát văn như người lớn. Hồn của những điệu hát văn đã theo suốt cuộc đời, ảnh hưởng trực tiếp tới lối hát của bà, luôn mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ.
Ở độ tuổi thiếu niên, NSND Thanh Huyền đã nắm vững được các kĩ thuật hát của những làn điệu dân ca cổ truyền. Trong đó, có nhiều kĩ thuật khó như đổ hột, luyến láy, ngâm. Toàn bộ các kĩ thuật này đều là bà tự học và tự cảm nhận bằng khả năng cảm nhạc của mình.
NSND Thanh Huyền
Sau vài năm học tại Nhạc viện, NSND Thanh Huyền nhanh chóng tiếp thu được các kĩ thuật thanh nhạc cổ điển Tây phương như cộng minh, legato, sử dụng vị trí âm thanh, head voice…
Bằng cảm nhận tinh tế và tư duy âm nhạc vượt trội của mình, NSND Thanh Huyền đã là một trong những người đầu tiên kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối hát cổ truyền Bắc Bộ (hát khép tiếng) với lối hát Tây phương (hát mở tiếng).
Từ đó, bà áp dụng vào ca hát để tạo nên một luồng gió mới cho nhạc Cách mạng Việt Nam, thể hiện nhạc Cách mạng trong sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa dân ca Bắc Bộ và học thuật, sáng tạo nhưng không xa rời truyền thống.
Nói cách khác, kể từ khi NSND Thanh Huyền xuất hiện, nhạc Cách mạng Việt Nam đã được thể hiện theo một trường phái riêng, vẫn đậm hồn dân tộc, mang âm hưởng dân ca sâu sắc, nhưng lại đầy tính học thuật, cao cấp và sang trọng, tiệm cận thế giới hơn cả.
Lối hát này ảnh hưởng tới hầu khắp các thế hệ ca sĩ hát dân ca sau này và tác động mạnh tới nhạc Cách mạng Việt Nam.
Khi đem lối hát dân ca Bắc Bộ vào thể hiện những ca khúc Cách mạng, thổi điệu hồn dân tộc vào nhạc Cách mạng, NSND Thanh Huyền đã đưa nhạc Cách mạng trở nên thân thương, gần gũi với quần chúng và da diết, xúc cảm hơn. Đây là một cống hiến lớn của bà.
NSND Lê Dung – trường phái nhạc Cách mạng cổ điển thính phòng
NSND Lê Dung được xem là cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển – thính phòng Việt Nam, với nhiều đóng góp to lớn.
Trước Lê Dung, nhạc cổ điển đã được du nhập vào Việt Nam nhờ người Pháp và những trí thức Tây học, nhưng chưa thực sự phát triển. Nhạc cổ điển chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ giới tri thức, ít tiếp cận được công chúng bình dân. Người Việt có biết tới nhạc cổ điển nhưng không nhiều, cũng không quen với cách hát bằng head voice thuần phương Tây.
NSND Lê Dung
Lê Dung trong suốt thập niên 90 đã đi diễn ở khắp các sân khấu lớn nhỏ. Không chỉ trên sân khấu lớn, sang trọng như Nhà hát Lớn hay các dinh, tòa đại sứ, bà còn diễn ở nhiều sân khấu bình dân và lên sóng phát thanh, truyền hình, phủ khắp mọi ngõ ngách.
Đặc biệt, Lê Dung không chỉ hát nhạc cổ điển mà còn dùng lối hát cổ điển để hát những bài nhạc Cách mạng vốn đã quen thuộc với công chúng. Nhờ Lê Dung, lần đầu tiên khán giả Việt được nghe những bài nhạc Cách mạng qua một lối hát mới đầy học thuật (trình diễn trên head voice dựng tiếng) nhưng cũng dung dị, mộc mạc, không quá phô diễn.
Từ đó, Lê Dung đã phổ biến nhạc cổ điển đến khắp khán giả trong nước, ở mọi tầng lớp. Những ca khúc Cách mạng bán cổ điển như Mẹ yêu con, Người Hà Nội, Bài ca hy vọng… qua giọng hát Lê Dung đã chiếm trọn trái tim nhân dân, khiến ai cũng xao xuyến, không thể quên.
Nói như nhà văn Trần Thị Trường là: "Người Việt Nam tiếp nhận âm nhạc thế giới đã từ rất lâu. Tuy nhiên, Lê Dung xuất hiện đem một đường dẫn để người Việt tiếp nhận, cảm thụ nó một cách dễ dàng, thú vị hơn.
Lê Dung đã mở ra cho Trần Tiến, Ngọc Tân sau này, làm thế nào để mở ra một đêm hòa nhạc mà không nhàm chán, phải là công của Lê Dung".
Cách hát nhạc Cách mạng theo lối bán cổ điển của Lê Dung đã ảnh hưởng sâu sắc đến cả hệ thống thanh nhạc giảng dạy và biểu diễn ở Việt Nam. Đa số ca sĩ nhạc Cách mạng danh tiếng sau này đều đi theo lối hát này như Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Phương Nga, Đào Tố Loan, Phạm Khánh Ngọc...
Cách Lê Dung nhả chữ vô cùng nắn nót, nâng niu, chứa đựng biết bao tâm sự, nỗi niềm. Có thể nói, biệt tài nhả chữ, phát âm, nhấn nhá, xử lý giai điệu trên head voice của Lê Dung mới là cái khiến bà trở nên độc nhất vô nhị, không ai bắt chước được, chứ không chỉ đơn giản là kỹ thuật hát.
Ca sĩ Phương Nga nhận định: "Mỗi khi hát, cô Lê Dung luôn dành hết sự say đắm, tình cảm cho bài hát. Đặc biệt, từng nhả chữ trong lời bài hát đều rất rõ, rất tình cảm, chuẩn mực vô cùng.
Để làm được như cô thì khó lắm, khó vô cùng. Nghe qua thì thấy rất tự nhiên, nhưng để hát được như cô thì trời ơi, luyện mãi cũng không được. Tôi phải tập luyện cực kỳ nghiêm khắc với chính bản thân mình mới đạt yêu cầu của cô".
Danh ca Bảo Yến – trường phái nhạc Cách mạng trữ tình quê hương Nam Bộ
Trong sự nghiệp rực rỡ của mình, danh ca Bảo Yến đã hát và thành công ở rất nhiều dòng nhạc khác nhau. Nhạc Cách mạng cũng là một trong những dòng nhạc được Bảo Yến làm mới, thổi hồn theo lối hát của riêng mình và được công chúng yêu thích.
Danh ca Bảo Yến
Bằng giọng hát trầm hơi khàn độc đáo của mình, Bảo Yến đã đưa được nhạc Cách mạng từ Bắc vào Nam, tiếp cận được với khán giả số đông và khiến họ yêu thích. Đó chính là đóng góp lớn của bà với dòng nhạc này.
Nếu đa số ca sĩ hát nhạc Cách mạng thường ngân nga theo lối bán cổ điển, thính phòng hoặc dân ca, sử dụng giả thanh trên quãng cao thánh thót thì Bảo Yến lại hát tự sự, chậm rãi trên chest voice quãng trung trầm, ít luyến láy, ít vibrato, không phô diễn, đưa đẩy và hát bằng giọng Huế đặc trưng, đẩy âm lên xoang mũi, pha chút mùi mẫn không thể thiếu của Bolero, mang âm hưởng trữ tình quên hương Nam Bộ.
Bà hát tha thiết từng chữ như rút ruột rút gan, ngâm sâu những âm tiết cuối kèm theo vocal break, tạo nên dư âm khắc khoải. Nhạc Cách mạng của Bảo Yến không hùng tráng, hừng hực như thường thấy, mà đầy tâm tình, xoáy sâu vào nội tâm, như đang ru người nghe. Đây là lối hát vô cùng khác biệt ở thời điểm bấy giờ và nhờ đó, nó chiếm được cảm tình của khán giả miền Nam. Những ca khúc nhạc Cách mạng như Lời người ra đi, Ở hai đầu nỗi nhớ… đã trở thành hit một thời, gắn với tên tuổi, giọng hát Bảo Yến. Lối hát của Bảo Yến đã ảnh hưởng đến nhiều ca sĩ miền Nam sau này khi hát nhạc Cách mạng.