Chim đà điểu dễ nuôi, nuôi như nuôi gà
Tìm về thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, hỏi thăm gia đình ông Đào Đức Thủy ở tiểu khu 5, thì không ai xa lạ, bởi người dân nơi đây đã nhiều lần kéo nhau đến trang trại ông Thủy xem hàng trăm con chim đà điểu khổng lồ chạy trên nền cát.
Thăm quan trang trại nuôi đà điểu của ông Đào Đức Thủy, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa mỗi con giống bán từ 1,9-2,5 triệu đồng. Ảnh: Vũ Thượng
Không mất nhiều thời gian, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã gặp được ông Đào Đức Thủy, chủ trang trại nuôi chim đà điểu khổng lồ có số lượng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa- Nuôi thứ chim -khổng lồ” to nhất thế giới, nuôi như nuôi gà mà lời 500 triệu-năm.
Mô hình nuôi chim đà điểu của gia đình ông Đào Đức Thủy, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho thu lời 500 triệu đồng/năm
Đưa phóng viên đi thăm quan trang trại nuôi chim đà điểu khổng lồ, ông Đào Đức Thủy chia sẻ: "Trước đây, tôi thầu 1 ha đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả bấp bênh, tiêu thụ chủ yếu dựa vào thương lái nên hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2015, tôi xem trên truyền hình thấy nhiều hộ ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên…nuôi đà điểu, tôi "đánh liều" nuôi thử 35 con với giá mua thời điểm đó khoảng 2 triệu đồng/con".
Trang trại rộng 1 ha, ông Thủy để một phần diện tích đào ao thả bèo tây (lục bình), rau muống...để làm thức ăn cho đà điểu. Ảnh: Vũ Thượng
"Sau mấy tuần nuôi đà điểu tôi thấy chúng ăn nhiều, lớn nhanh, tôi bàn thêm với vợ con mua tổng 150 con đà điểu giống đà điểu châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi thử nghiệm. Đà điểu châu Phi được công nhận là loài chim khổng lồ to nhất thế giới.
Đà điểu rất dễ nuôi, chúng có thể ăn rất nhiều loại thức ăn khác nhau miễn là nuốt được vào bụng như: Các loại cỏ voi, rau muống, cây họ đậu, thân cây ngô, lá mía, rơm rạ…Đây là nguồn thức ăn cần cung cấp chính cho đà điểu", ông Đào Đức Thủy chia sẻ thêm.
Rau muống được băm nhỏ trước khi cho đà điểu ăn. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Thủy trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chim đà điểu ăn nhiều thức ăn xanh sẽ bị tiêu chảy, do đó phải kết hợp với thức ăn dạng hạt, tinh bột, đạm động vật. Thức ăn dạng hạt như: Các loại hạt thóc, ngô, đậu…
Ngoài ra, chim đà điểu còn ăn cát sỏi giúp bộ máy tiêu hóa của đà điểu hoạt động tốt hơn, hỗ trợ chúng nghiền nhỏ thức ăn trong bao tử, nhưng chỉ nên cho ăn một lượng vừa phải. Và bổ sung thêm các loại vitamin, cũng như B1, B2, B6, premix khoáng, thức ăn từ động vật như trùn quế, dế, giun...
Cứ vào 8 giờ sáng hằng ngày là ông Thủy, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tiến hành cho chim đà điểu ăn. Ảnh: Vũ Thượng
Chim đà điểu rất dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, chỉ thích chạy trên cát nên hệ thống chuồng trại cũng không cần xây dựng quá cầu kỳ. Người nuôi lưu ý tới lượng thức ăn của của loài chim khổng lồ như sau:
Giai đoạn trên 18 tháng tuổi và trong thời kỳ sinh sản cho ăn với khối lượng từ 2,5 - 3kg thức ăn/con/ngày. Đặc biệt, giai đoạn sinh sản, cần đảm bảo không gian yên tĩnh, tránh tiếng động lớn và các mối nguy hại.
Rải cát dưới nền nhà nhằm chống trơn trượt cho đàn đà điểu khi chạy. Ảnh Vũ Thượng
Do đà điểu là loài động vật sợ tiếng ồn nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư. Chuồng trại nuôi đà điểu phải có diện tích rộng, được rải cát vì đà điểu có nguồn gốc từ sa mạc, thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da...
Hướng tới mở rộng mô hình
Hiện tại, trang trại nuôi chim đà điểu khổng lồ của gia đình ông Đào Đức Thủy luôn duy trì 100 con đà điểu bố mẹ, 100 con đà điểu thương phẩm. Thời gian khai thác đà điểu mái và trống khá dài, con mái từ 40-50 năm, con trống từ 12-15 năm. Thông thường các trại nuôi đà điểu chọn 2 mái thì cần 1 con trống để sinh sản.
Trang trại của ông Đào Đức Thủy (thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá) có hàng trăm con đà điểu, có con nặng hơn 100 kg. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Đào Đức Thủy tâm sự với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Lần đầu nuôi chim đà điểu lớn nhanh nhìn mà ai cũng vui mừng, nhưng đến khi bán thịt người dân không ai mua. Tôi thực sự bị sốc và không biết phải xử lý thế nào vì đã đầu tư tiền tỷ vào trang trại.
Nhưng may, hai đứa con tôi đã quay video và giao bán trên các trang mạng xã hội, được nhiều người biết đến và liên hệ để mua".
Mỗi vỏ trứng đà điểu ông Thủy, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bán 50.000 đồng/quả. Ảnh: Vũ Thượng
Để mở rộng thêm số lượng đà điểu, năm 2019, gia đình ông Thủy đã cho ấp nở thành công đà điểu giống, mỗi con hiện có giá từ 1,9-2,5 triệu đồng/con. Đà điểu thương phẩm sau khi nuôi 10-12 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 90-120 kg/1 con, ông Thủy đang bán với giá từ 8-10 triệu đồng/con.
Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đà điểu, mỗi năm, gia đình ông Thủy lời khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại nuôi chim đà điểu khổng lồ của ông Thủy đang tạo công việc cho 3 lao động địa phương với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với đà điểu giống, ông Thủy (thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bán trên 2.000.000 đồng/con. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Đào Đức Thủy bộc bạch với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về kế hoạch trong thời gian tới rằng: "Đối với con chim đà điểu nuôi 3 năm là có thể đẻ trứng, nên lấy trứng cho vào lò ấp thì tỷ lệ nở đạt cao hơn. Tới đây tôi sẽ tiếp tục thuê đất để mở rộng chuồng trại, nâng số lượng đà điểu khoảng 500 con thương phẩm".
Bắp thịt loài chim đà điểu khổng lồ đang được gia đình ông Thuỷ, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bán giá 260.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Thượng
"Mô hình nuôi chim đà điểu khổng lồ của gia đình anh Đào Đức Thủy cho lời 500 triệu đồng/năm thật sự rất hiệu quả. Đây là mô hình mới của địa phương, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để anh Thủy phát triển, mở rộng trang trại nuôi chim đà điểu này", ông Nguyễn Đình Lam-Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết.