Thanh Hóa có 7.443 phương tiện nghề cá với khoảng 28.000 lao động. Tính đến 16h chiều 15/8 đã có 7.328 phương tiện với hơn 27.000 lao động đã vào nơi tránh trú bão an toàn (neo đậu tại các bến trong tỉnh có 6.906 phương tiện; tại các bến ngoài tỉnh là 422 phương tiện).
Các phương tiện đang neo đậu, tránh trú ngoài tỉnh đều giữ liên lạc với gia đình bình thường. Hiện tại còn 115 phương tiện với 230 lao động đang đánh bắt gần bờ vùng biển thanh hóa, sáng đi tối về.
Đến chiều 15/8, UBND các huyện miền núi đã triển khai việc kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; các huyện, thành phố ven biển triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt đối với khác du lịch trên biển, ven biển.
Các địa phương đã chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê điều, hồ đập; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho công trình, đặc biệt tại các vị trí trọng điểm xung yếu.
Ông Lê Văn Thủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thủy nông Sông Chu cho biết, các phương án phòng chống bão lũ đã được đơn vị triển khai kịp thời.
Công ty triển khai thực hiện đúng quy trình quản lý hệ thống là kiểm tra công trình trước lũ, đánh giá an toàn công trình hồ đập và sửa chữa công trình trước lũ.
Bên cạnh đó là lập phương án phòng chống lũ lụt theo từng công trình xong là triển khai phương án phòng chống bão lụt đến từng địa bàn và khi có mua lũ thì triển khai theo đúng phương án đã được phê duyệt./.