Thanh Hóa cảnh báo chiêu trò lừa đảo, kinh doanh đa cấp bất động sản

Ninh Phan - Hoàng Lam |

Tỉnh Thanh Hóa cảnh báo việc một số khu đất sau khi trúng đấu giá đã có hoạt động giao dịch, huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp đồng góp vốn, vay vốn, "đặt cọc", giữ chỗ, khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng và phải bị xử lý nghiêm.

Đất vừa trúng đấu giá đã rầm rộ huy động vốn trái phép

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại các khu đất đấu giá mà yêu cầu phải xây dựng công trình trên đất.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua tỉnh đã tổ chức đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư dự án phát triển nhà ở thành công một số khu đất tại TP Thanh Hóa, Sầm Sơn và tại tỉnh, trong đó yêu cầu người trúng đấu giá QSDĐ phải xây dựng hoàn chỉnh công trình trên đất.

Tuy nhiên, qua theo dõi phản hồi từ người dân, phương tiện thông tin đại chúng, tại một số khu đất sau khi trúng đấu giá đã có hoạt động huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp đồng góp vốn, vay vốn, "đặt cọc", giữ chỗ, khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất.

 Thanh Hóa cảnh báo chiêu trò lừa đảo, kinh doanh đa cấp bất động sản  - Ảnh 1.

Tỉnh Thanh Hóa cảnh báo việc một số khu đất sau khi trúng đấu giá đã có hoạt động giao dịch, huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp đồng góp vốn, vay vốn, "đặt cọc", giữ chỗ, khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu người trúng đấu giá QSDĐ thực hiện nghiêm việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình trên đất đúng quy hoạch, tiến độ, chất lượng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ được phép thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô cho người mua sau khi đã hoàn thành việc xây dựng.

Khi thực hiện chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô cho người mua thì chủ đầu tư dự án phải ký kết hợp đồng mua bán đúng quy định, đúng giá đã niêm yết; thu đúng, đủ, theo hình thức chuyển qua tài khoản ngân hàng (tuyệt đối không thu tiền ngoài hợp đồng đã ký), hạch toán, kế toán và kê khai thuế đúng quy định của pháp luật.

Cung cấp đầy đủ hồ sơ mua bán khi hoàn thành cho người mua theo quy định trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày người mua hoàn thành nghĩa vụ tài chính với người bán.

"Các giao dịch huy động vốn (hoặc chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô) thông qua hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu "đặt cọc" giữ chỗ hoặc biên bản "đặt cọc" khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", UBND tỉnh Thanh Hóa cảnh báo.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, địa phương đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của người có tài sản đấu giá; thực hiện nghiêm việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng phương án đấu giá QSDĐ trên địa bàn để minh bạch thông tin, ngăn chặn kịp thời hoạt động huy động vốn trái phép để lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, kịp thời có văn bản khuyến cáo để người dân biết, không thực hiện giao dịch mua, bán tại các dự án bất động sản không đủ điều kiện giao dịch, chuyển nhượng; tuyệt đối không tham gia góp vốn dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu "đặt cọc" giữ chỗ hoặc biên bản "đặt cọc" khi dự án chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất; xử lý nghiêm theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn trái phép, chuyển nhượng QSDĐ, mua, bán bất động sản trái quy định pháp luật.

Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu người trúng đấu giá QSDĐ, chủ đầu tư các dự án đô thị, khu dân cư chấp hành nghiêm quy định về xây dựng hạ tầng, công trình trên đất đúng quy hoạch, tiến độ, chất lượng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cung cấp đầy đủ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình, biên bản bàn giao đất kèm nhà xây thô cho người mua khi thực hiện giao dịch, chuyển nhượng bất động sản; kịp thời xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa giao Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác nắm tình hình, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong huy động vốn (hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà xây thô) thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc hợp đồng “đặt cọc” giữ chỗ, phiếu thu “đặt cọc” giữ chỗ hay biên bản “đặt cọc” khi dự án chưa thực hiện, đồng thời chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất.

Không để trục lợi, nhiễu loạn thị trường

Trước đó, để kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất ở trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có công văn chấn chỉnh hoạt động đấu giá QSDĐ, công tác quản lý Nhà nước về giá đất, thị trường bất động sản...

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá tham mưu xác định giá khởi điểm đối với những thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo Bảng giá đất) từ 20 tỷ đồng trở lên trên cơ sở khảo sát thực tế đầy đủ, khách quan, trung thực các giao dịch đất đai, bất động sản ở địa phương, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và sát với giá thị trường tại thời điểm định giá.

 Thanh Hóa cảnh báo chiêu trò lừa đảo, kinh doanh đa cấp bất động sản  - Ảnh 2.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu không để tình trạng lợi dụng đấu giá QSDĐ để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường …


Sở này có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hoá trong việc tổ chức hoạt động đấu giá QSDĐ khi được UBND tỉnh giao đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành; kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định của pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, không để tình trạng lợi dụng đấu giá QSDĐ để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường …

Sở Tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản, hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, công tác tổ chức đấu giá, lưu trữ hồ sơ đấu giá, hoạt động của các tổ chức công chứng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người tham gia đấu giá, tổ chức công chứng có dấu hiệu lập hồ sơ “ký chờ”, “ký gửi”, kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng (02 giá) nhằm trốn thuế.

Chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá cũng nêu rõ, Công an tỉnh Thanh Hoá chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền các cấp trong đảm bảo an ninh, trật tự và bố trí đủ lực lượng đảm an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá QSDĐ, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng QSDĐ theo hình thức đấu giá.

Chỉ đạo các phòng chức năng, Công an cấp huyện, cấp xã, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt tình hình, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá QSDĐ, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng QSDĐ theo hình thức đấu giá trên địa bàn tỉnh như: thông đồng, dìm giá, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen, đảm bảo không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại