Đi tìm lời giải cho sự sa sút của Tuấn Tài
Thế nhưng, sự yếu kém trong khâu dứt điểm của Tuấn Tài phải chăng chỉ là trách nhiệm của cá nhân cầu thủ này?
Trước hết, xin nhắc lại một thông tin về Tuấn Tài, năm 2012, anh chính là "vua phá lưới" giải U17 Quốc gia. Sau đó ở lứa tuổi U19, dù những cầu thủ từ lò HAGL như Công Phượng, Tuấn Anh đã trở nên rất nổi tiếng nhưng Tuấn Tài không bị "chìm" đi mà vẫn giữ được sự nổi bật của mình, vẫn là một trong những tiền đạo trẻ rất được kỳ vọng của bóng đá Việt Nam.
Có thể thấy, Tuấn Tài có xuất phát điểm tốt và là cầu thủ có thực lực, anh được đánh giá cao nhờ tài năng chứ không phải vì có cái mác là "em họ Văn Quyến".
Vậy nhưng điều gì đã khiến cho một cái tên đầy triển vọng như vậy giờ đây lại gây thất vọng lớn và thậm chí còn bị đánh giá thấp hơn đàn em ở lứa U20 là Hà Đức Chinh? Câu trả lời phần lớn nằm ở việc Tuấn Tài không được thi đấu nhiều tại V-League.
Tuấn Tài liên tục bỏ lỡ cơ hội trước U22 Indonesia.
V-League 2017 đang tạm dừng sau vòng 16 và Tuấn Tài được ra sân vỏn vẹn 8 lần trong năm nay, đáng buồn hơn, những lần ra sân ít ỏi đó đều từ băng ghế dự bị.
Một cầu thủ đã bước sang năm thứ 3 thi đấu cho đội một, nhưng vẫn phải chịu cảnh làm kiếp dự bị, thi đấu gần hết mùa giải chỉ với 157 phút được chơi bóng trên sân thì làm sao đòi hỏi họ có được phong độ cao, cũng như duy trì trình độ, đẳng cấp của mình được, nhất là với một cầu thủ ở giai đoạn cần phát triển như Tuấn Tài?
Hậu quả của việc mài đũng quần trên ghế dự bị là rất rõ ràng, hãy nhìn người đồng hương nổi tiếng của Tuấn Tài, đó là Công Phượng, khi anh bị "nhốt" trên ghế dự bị ở Nhật Bản quá lâu, phong độ đã đi xuống tệ hại đến mức tưởng chừng chúng ta đã để thui chột một tài năng.
Tuy với trường hợp của Công Phượng, chúng ta không thể trách người Nhật, vì họ mua cầu thủ là có mục đích, và họ cũng không có nghĩa vụ phải lo lắng, nâng đỡ cho cầu thủ trẻ của chúng ta.
Nhưng với Tuấn Tài thì khác, anh vẫn ở trong nước chứ không đi đâu cả, và vẫn chơi bóng ở quê hương Nghệ An của mình, thế nhưng sự hỗ trợ dành cho cầu thủ trẻ ở CLB đang như thế nào mà để cho tài năng ngày càng đi xuống như thế?
Bảng B, SEA Games 29: U22 Việt Nam 0-0 U22 Indonesia
Trách nhiệm của SLNA nói riêng và các CLB V-League nói chung
Nếu như SLNA ở trong nhóm cạnh tranh vô địch, hoặc có thi đấu ở đấu trường châu lục chẳng hạn, thì mọi chuyện lại khác, có thể thông cảm chuyện họ "ngó lơ" cầu thủ nội để nhường suất cho ngoại binh, nhằm giành thành tích.
Nhưng SLNA mùa này cũng như vài mùa bóng gần đây đều không mặn mà trong chuyện giành ngôi vương, cả lãnh đạo đội bóng cũng như người hâm mộ đều không mơ về chức vô địch mà bằng lòng với một vị trí không thấp cũng không cao trên bảng xếp hạng. Vậy thì cớ gì không trao cho cầu thủ trẻ cơ hội thể hiện mình, mà lại bỏ quên họ trên băng ghế dự bị?
Nếu nói rằng SLNA cần phải có ngoại binh để ... trụ hạng thì cũng không đúng, vì với nội lực của họ, với truyền thống đào tạo trẻ, luôn cho ra những sản phẩm tốt, tạo ra những đội hình hoàn chỉnh và ăn ý với nhau như SLNA thể hiện hàng chục năm qua, việc trụ hạng là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay, không có gì quá sức.
Hơn nữa, ở SLNA có điểm rất đặc biệt là họ thường xuyên "mua hớ", rất nhiều lần phải ngậm ngùi trả lương cho những bản hợp đồng với các cầu thủ ngoại yếu kém, chuyên môn thậm chí còn thua cầu thủ nội.
Nếu được trui rèn nhiều hơn trong màu áo SLNA thời gian qua, có lẽ trước Indonesia Tuấn Tài đã ghi ít nhất 2 bàn thắng?
Thế nhưng, dù như vậy thì hàng năm họ vẫn cố gắng mua cho được ngoại binh chứ không đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ đang mỏi mòn chờ đợi của mình. Cứ tiếp tục như thế thì liệu có thể có thu hoạch gì cho bóng đá Nghệ An nói riêng và cả Việt Nam nói chung đây?
Tất nhiên, khi nhìn lại màn trình diễn của Tuấn Tài trong trận đấu với U22 Indonesia, chúng ta trước tiên vẫn phải không hài lòng với khả năng quá yếu của anh. Nhưng, trước khi tuôn ra những lời chỉ trích nặng nề hơn về phía tiền đạo này, xin hãy nhớ rằng, khi một cầu thủ bị mất phong độ thì trách nhiệm không chỉ của riêng anh ta mà thôi.