Lịch sử 20 năm các cuộc đối đầu giữa hai nền bóng đá, cấp độ ĐTQG, chúng ta chỉ giành chiến thắng vỏn vẹn hai lần. Thành tích đối đầu như thế bị cho là khiêm tốn, so với số lần chiến bại, ở nhiều cấp độ, đủ thể loại sân chơi.
Đã có thời điểm giải VĐQG V-League, một trong những khâu - mắt xích quan trọng bậc nhất của nền bóng đá, thu hút nguồn lực và chất lượng hơn hẳn Thai League. Đấy là giai đoạn 2005-2009. Thai League sau năm 2007 đã phải xoá đi làm lại, bằng sự ra đời của Thai Premier League, với công nghệ mô phỏng giải Ngoại hạng Anh.
Giải VĐQG phát triển, có vai trò quyết định thành bại của ĐTQG, đầu ra của nền bóng đá. Vì thế, giai đoạn 2005-2009, đội tuyển Việt Nam gặt hái rất nhiều thành công, với suất chơi tứ kết ASIAN Cup 2007, vô địch AFF Suzuki Cup 2008; đội tuyển Olympic Việt Nam đi đến vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008. Cấp CLB, lần đầu tiên trong lịch sử có một đội bóng Việt Nam lọt vào bán kết AFC Cup 2009, đấy là B.Bình Dương.
Tiếc rằng, nền bóng đá và hệ thống các giải đấu, đã không thể duy trì được thời vàng son. V-League đi xuống chất lượng và cả hình ảnh. Các cấp độ ĐTQG đương nhiên cũng chìm theo.
Khi bóng đá Việt Nam đi xuống có hệ thống, thì Thái Lan bắt đầu đánh chiếm các hạng mục, trong khu vực trở lại và vươn ra tầm châu lục. Thai Premier League trở thành một trong những giải VĐQG hàng đầu châu Á về chất lượng chuyên môn và các giá trị thương mại, hình ảnh.
Trận thắng của Công Phượng và đồng đội, trước U23 Thái Lan ở M-150 Cup vừa qua, lọt thỏm giữa lằn ranh khác biệt của 2 nền bóng đá. Tức là nó không quan trọng và không giải quyết được gì cả. Nhưng, gói gọn trong một trận đấu bóng đá, nó lại rất có ý nghĩa. Chúng ta phải biết chắt chiu những chiến thắng, để tin rằng, mình còn có thể làm tốt hơn người Thái. Lẽ đơn giản, muốn bơi ra biển lớn, phải đánh bại đội mạnh hơn mình.
Cũng có ý cho rằng, việc nền bóng đá quá bận tâm, thậm chí cài chế độ "follow" (theo dõi) người Thái, nên mới bị họ bỏ quá xa. Mà không chỉ có Thái Lan mới bỏ chúng ta ở lại, mà ngay cả Indonesia, Malaysia, Philippines và Myanmar, cũng ngấp nghé ngưỡng cửa trên so với Việt Nam, vì sự manh mún trong tư duy làm bóng đá. Nền bóng đá, thay vì tập trung vào chiến lược, vào thắng lợi chung cuộc, thì lại quá bận tâm hoan hỉ bằng những trận đấu - giải đấu cụ thể, trước một đối thủ cụ thể.
Nếu như gạt bỏ được tâm lý một đội bóng yếu, khi đứng trước các đối thủ được cho là mạnh hơn, chứ không chỉ riêng Thái Lan, chúng ta có cơ hội phát triển và tiệm cận ở mức độ nào đó với đẳng cấp của họ. Phải tuyệt đối tin rằng mình có thể, thay vì sợ hãi. Trận thắng vừa rồi vì thế có ý nghĩa rất tích cực cho bóng đá Việt Nam.