Ngày 19/1, Ankara đã tuyên bố chiến dịch quân sự của chống lại thành phần phiến quân người Kurd của Syria đóng quân tại Afrin để ngăn chặn mối đe dọa an ninh do đội quân người Kurd gây ra. Trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp diễn ở miền Bắc Syria, câu hỏi đặt ra lúc này là: Thổ Nhĩ Kỳ thực sự muốn gì?
Theo nhà phân tích chính trị Oussama El-Mohtar, những toan tính của Ankara vượt xa việc đảm bảo an ninh biên giới cho đất nước.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng về nguồn lực và thị trường", ông El-Mohtar nhấn mạnh.
"Nơi khả thi để Ankara thực hiện toan tính này chỉ có thể là khu vực Trung Đông, Vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (bao gồm Iraq, Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine). Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở rộng ảnh hưởng đến những vùng lãnh thổ trù phú ở Syria và Iraq, Lebanon hay Palestine. Nhưng kế hoạch này khá rủi ro, bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng trong khu vực và quốc tế", ông này nói.
Mỹ và EU đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng?
El-Mohtar cho rằng những động thái của Washington và Brussels đã liên tiếp khiến Ankara thất vọng.
Chẳng hạn, Washington không chỉ thất hứa với Ankara về chuyện ngừng cung cấp binh khí cho người Kurd, mà còn đưa ra những tuyên bố không thống nhất về việc thành lập "lực lượng biên phòng" ở các khu vực do Lực lượng Dân chủ Syrisa, mà đa phần là người Kurd, chiếm đóng.
Theo El-Mohtar, "Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra hai điều: Một là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được chấp nhận ở EU, nhất là sau khi Tổng thống Pháp Macron tuyên bố vào ngày 5/1 vừa qua rằng ‘quy trình hiện tại sẽ không đem lại kết quả trong những năm tới’."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng tuyên bố: "thất vọng về lập trường của EU có thể khiến Ankara quay lưng lại với châu Âu." El-Mohtar đặt ra câu hỏi: "Đây chính là tuyên bố then chốt của Thổ Nhĩ Kỳ: 'quay lưng lại,' nhưng quay về đâu?".
"Điều thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra sau cuộc đảo chính chống tổng thống Erdogan và những nghi ngờ chính phủ Mỹ ‘nhúng tay’ vào cuộc đảo chính này, đó là người Mỹ không đáng tin," ông El-Mortar cho biết.
Tổng thống Erdogan. Ảnh: Bloomberg.
Tương lai Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO phụ thuộc vào lợi ích của Mỹ, EU
Bàn về tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, El-Mortar tin rằng "Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ đang đánh giá vai trò này, mỗi quốc gia và khối đều dựa trên quan điểm và lợi ích của riêng họ".
Vì lẽ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang khẩn trương tiến hành chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở phía Bắc đất nước, trong khi Washington đang cố gắng ‘xoa dịu’ Ankara sau sáng kiến thành lập lực lượng biên giới Mỹ-SDF.
Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) - đội tiên phong của SDF - được Ankara coi là một nhánh của Đảng Lao động người Kurd (PKK) và bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ.
El-Mortar giải thích: "Không chỉ Erdogan, mà người dân và các đảng phái chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đều coi việc người Kurd lập quốc ở biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa. Những bản đồ quốc gia do người Kurd đề xuất đều bao gồm những con sông lớn, Euphrates và Tigris, hiện nay đều thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Tuy nhiên bản đồ của người Kurd cũng cũng bao gồm các vùng đất rộng lớn thuộc Syria, Iraq và Iran, và các quốc gia này cũng rất cảnh giác đối với Thổ Nhĩ Kỳ. "
Tổng thống Erdogan sẽ hành động?
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đe dọa sẽ mạnh tay tiêu diệt lực lượng biên giới mà Mỹ đang có kế hoạch thành lập tại Syria, và nói rằng Ankara đang chuẩn bị tiến hành những chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Afrin và Manbij.
"Tôi tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ‘ra tay’ nếu bị chèn ép quá mức," El-Mortar nhấn mạnh.
Theo báo cáo ngày 19/1, lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) đã vượt qua biên giới Syria và đang tiến tới Azaz. Do đó, dường như giả thuyết của El-Mohtar đang dần trở thành hiện thực.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: dailytrust.
Trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ từng mở ra nhiều mặt trận chống lại các cường quốc châu Âu từ Armenia tới Hy Lạp sau thất bại trong Thế chiến I. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ buộc đối phương "từ bỏ lãnh thổ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ theo hiệp ước Sevres năm 1920, mà còn mở rộng biên giới của họ về phía Nam Syria và Iraq, và buộc kẻ thù phải công nhận mình tại hội nghị Lausanne năm 1923", El-Mortar cho biết.
"Nếu quả thực Thổ Nhĩ Kỳ đang giành lại những gì đã mất thông qua việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng và quyền kiểm soát mới ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu Syria, thì Afrin và Manbij đang nằm trong tầm ngắm. Nếu kế hoạch này thành công, bước tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là sáp nhật các lãnh thổ này, giống như sự kiện sáp nhập Iskenderun và các lãnh thổ khác thuộc Syria trong các thế kỷ trước", El-Mortar nhấn mạnh thêm.
Theo El-Mortar, có khả năng Washington và Moscow "sẽ thuận theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ để tránh một cuộc đối đầu quân sự có nguy cơ vượt tầm kiểm soát."
Nếu trường hợp đó xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được toàn quyền chi phối Bắc Syria, còn lực lượng người Kurd sẽ bị kiểm soát.
Tuy nhiên, theo El-Mohtar, Nga không quan tâm đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang Syria và Iraq, kể cả khi Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò lãnh đạo trong việc xử lí lực lượng khủng bố IS tại các quốc gia này và mối liên kết của Ankara với tổ chức Anh em Hồi giáo.
El-Mohtar gợi ý rằng Nga và các quốc gia ở mức độ thấp hơn là Iran, Syria và Iraq có thể ngăn cản xung đột tiềm ẩn giữa Ankara và các lực lượng người Kurd được Mỹ ‘chống lưng’.
Trong khi Syria và Iraq đang "cạn kiệt", Nga đang "trong quá trình phục hồi và khẳng định vai trò cường quốc của mình", El-Mohtar nhấn mạnh.