Đối với số đông thực khách tại 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cái tên CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) có thể không được nhiều người biết đến nhưng những thương hiệu ẩm thực mà doanh nghiệp này đang sở hữu lại khá quen thuộc.
Golden Gate đang sở hữu một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất cả nước với gần 200 cửa hàng thuộc về hơn 20 thương hiệu như Ashima, Kichi-Kichi, Vuvuzela, Gogi, Sumo BBQ… Đây là những thương hiệu mạnh trong các phân khúc lẩu, nướng và nhà hàng bia tươi.
Trong khi hàng loạt chuỗi nhà hàng đình đám trong lĩnh vực F&B đã phải đóng cửa trong thời gian qua thì hệ thống Golden Gate – dù đã là chuỗi nhà hàng lớn nhất cả nước – lại duy trì tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Năm 2014 ghi dấu bước nhảy vọt về doanh thu của Golden Gate khi doanh thu tăng gần 150% từ 505 tỷ lên 1.250 tỷ đồng. Mức tăng trưởng phi mã có được nhờ sự bùng nổ của mô hình câu lạc bộ bia tươi Vuvuzela. Năm 2015, với số cửa hàng mở mới gần bằng 10 năm trước đó cộng lại, doanh thu tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 1.850 tỷ đồng.
Năm 2016, doanh thu của Golden Gate tăng trưởng hơn 40% lên 2.628 tỷ đồng – tức bình quân thu về gần 7 tỷ đồng mỗi ngày. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như các năm qua, doanh thu của Golden Gate có thể sớm chạm mốc 10 tỷ đồng/ngày.
Lợi nhuận sau thuế sau khi chỉ tăng trưởng “khiêm tốn” ở mức 18% trong năm 2015 đã tăng gấp rưỡi trong năm 2016 lên 229 tỷ đồng.
Đặc thù hoạt động của của mô hình chuỗi nhà hàng như Golden Gate tốn chi phí rất lớn để thuê mặt bằng cũng như chi trả cho đội ngũ nhân viên bán hàng. Năm 2015, chi phí bán hàng lần đầu tiên vượt xa so với giá vốn hàng bán (chủ yếu là nguyên liệu đầu vào…).
Theo thông tin trên website của công ty, trong 4 năm gần đây, mỗi năm lượng khách đến hệ thống nhà hàng của Golden Gate tăng thêm 500.000 lượt/năm và đạt 4 triệu lượt vào năm 2016.
Tăng trưởng về số lượng khách hàng
Ai đang sở hữu Golden Gate?
Golden Gate hiện có vốn điều lệ 63 tỷ đồng cơ cấu sở hữu khá cô đặc. Ba cổ đông sáng lập đồng thời là 3 lãnh đạo chủ chốt Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Tường và Trần Việt Trung trực tiếp sở hữu 44% cổ phần và gián tiếp sở hữu 53,5% cổ phần của công ty thông qua CTCP Golden Gate Partners. Còn lại hơn 2,5% cổ phần chủ yếu do cán bộ nhân viên nắm giữ.
Năm 2014, quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity – SCPE thuộc ngân hàng Standard Chartered công bố đã chi ra 35 triệu USD - tương đương 735 tỷ đồng - để đầu tư vào Golden Gate. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoản đầu tư này không phải để mua cổ phần mà là mua lại các khoản vay chuyển đổi và trái phiếu chuyển do Mekong Capital và MAJ Invest nắm giữ.
Tỷ lệ chuyển đổi các khoản trái phiếu/nợ chưa được xác định, tuy nhiên nó được đảm bảo và được ủy quyền biểu quyết tương ứng với lượng cổ phiếu xấp xỉ 1/3 lượng cổ phiếu Golden Gate đang lưu hành.
Như vậy nhiều khả năng một khi được chuyển đổi hoàn toàn thì SCPE sẽ sở hữu khoảng 1/3 cổ phần của Golden Gate, tương ứng với mức định giá Golden Gate vào khoảng 105 triệu USD.
Tất nhiên, đó là mức định giá của 3 năm trước. Nếu Golden Gate tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như những năm vừa qua, giá trị của công ty chắc chắn đã tăng lên đáng kể.
Tại Việt Nam, SCPE mới thực hiện đầu tư vào một số doanh nghiệp nhưng hầu hết đều có giá trị lên đến vài chục triệu USD. Bên cạnh Golden Gate, quỹ nào còn đầu tư vào Lộc Trời Group (tên cũ là Bảo vệ thực vật An Giang - AGPPS), hệ thống vui chơi giải trí cho trẻ em TiniWorld và ví điện tử Momo.