Tháng 9, Hà Nội có nồng độ bụi cao nhất từ đầu năm 2019

Quang Huy |

Tháng 9, Hà Nội có nồng độ bụi cao nhất từ đầu năm 2019. Có những thời điểm, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở mức kém.

Thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 9/2019, vấn đề chất lượng không khí của các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP HCM đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân.

Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở mức kém, ở TP HCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn.

Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hoá đã gây những tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng. Trong đó tháng 9 là tháng có nồng độ bụi cao nhất từ đầu năm đến nay.

Đây là khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về chất lượng không khí tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM.

Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 12-29/9/2019, nồng độ bụi PM2.5 đều có xu hướng tăng, đặc biệt từ 15-17/9 và 23-29/9 có thời điểm tăng hơn 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn quy quy chuẩn của Việt Nam.

Qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm qua cho thấy, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại thành phố Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

Đánh giá về kết quả quan trắc này của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng: “Chúng ta thấy rằng đây là những con số biết nói và với các thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại thì rõ ràng các số đo này sẽ càng chính xác.

Cho nên chúng ta thấy rằng những con số này đưa ra mặc dù chúng ta không muốn nhưng đó là thực tế và chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để phát hiện, sớm giải quyết vấn nạn này”.

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân PM2.5 tăng cao trong thời gian vừa qua do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt, vào thời điểm sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Còn tại TP HCM, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa, nên chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.

Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM cho thấy, từ ngày 1-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

GS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: “Mức độ ô nhiễm ở Hà Nội và TP HCM thời gian gần đây so với các nước trong khu vực và thế giới là ở mức độ ô nhiễm cao và nó có tính quy luật hằng năm vào mùa này có nồng độ ô nhiễm ở mức độ cần phải xem xét.

Đây cũng là 1 lời cảnh báo để chúng ta có các biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm xuống. Chúng ta cũng biết được nên thông báo cho người dân để có những biện pháp phòng tránh”.

Cũng theo kết quả so sánh của Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số thành phố trong khu vực châu Á (số liệu của 15 trạm quan trắc tự động đặt do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố của một số nước châu Á trong giai đoạn 2016 -2018) cho thấy thành phố Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10 trên 15 thành phố, năm 2018, đứng ở vị trí 11/15 thành phố có chất lượng không khí kém./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại