Trong nghiên cứu do nhóm tác giả đến từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bộ môn Nhi – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) vừa báo cáo tại Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ lần XI do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, các bác sĩ cho biết căn bệnh ho gà nguy hiểm thường diễn ra ở các tỉnh phía Nam nhiều nhất vào tháng 5 đến tháng 8.
Bác sĩ khuyên nếu trẻ ho kéo dài, phải đưa đến bệnh viện kiểm tra. Trong ảnh: Phụ huynh đăng ký khám bệnh cho con tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Nhóm tác giả Nhâm Hải Hoàng, Tăng Chí Thượng, Trương Hữu Khanh, Phạm Văn Quang đã thu thập chi tiết về các ca ho gà nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Trong khoảng thời gian hơn 2 năm nghiên cứu (1-5-2015 đến 31-7-2017), có 76 ca nhập viện, các bệnh nhi đến từ nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam. Với một bệnh nguy hiểm, dễ biến chứng nặng và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng hàng chục năm nay, đó là con số đủ nhiều và đáng lo ngại.
Nghiên cứu cho thấy số trẻ em bị biến chứng do ho gà rất cao. Viêm phổi là thường gặp nhất (93,4%), sau đó đến suy hô hấp (61,8%), co giật (2,6%). Rất may là nhờ các biện pháp can thiệp tích cực hiện nay, chỉ có 1 trường hợp tử vong duy nhất được ghi nhận.
Các bác sĩ cho biết cách duy nhất để phòng ngừa ho gà hiện nay là chủng ngừa. Căn bệnh đã được nhiều quốc gia đưa vào danh sách các bệnh tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng bắt buộc, bởi mức độ nguy hiểm của nó, dễ tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Các trẻ được ghi nhận trong nghiên cứu đều dưới tuổi chủng ngừa hoặc không được chủng ngừa, bị lây bệnh thông qua người lớn và trẻ lớn.
Lý do căn bệnh được yêu cầu chủng ngừa toàn dân ở nhiều quốc gia là nó chủ yếu xảy ra ở trẻ rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu mọi người đều chủng ngừa, bệnh không xâm nhập được vào cộng đồng thì nhóm trẻ dưới tuổi chủng ngừa cũng được bảo vệ gián tiếp thông qua hàng phòng vệ an toàn do cả cộng đồng được tiêm chủng tạo nên.
Hiện nay, tại Việt Nam, ho gà nằm trong các bệnh được chủng ngừa miễn phí bằng vắc-xin 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trẻ ho gà thường có các biểu hiện lâm sàng như ho kéo dài trên 2 tuần (42,1%), ho cơn kịch phát điển hình (100%), đỏ mặt khi ho (100%), tím tái khi ho (65,8%), thở rít sau cơn ho (27,7%), ho nhiều về đêm (90,8%), ói sau ho (73,6%), cơn ngưng thở (6,6%)… Trẻ cần được đưa đi bệnh viện ngay nếu có một trong các triệu chứng này.