Thắng 3, thua 8 vì thiệt quân
Năm 2006, ông Kim Hak-bum dẫn dắt Seongnam vô địch K-League. Đó cũng là mùa giải mà Gyeongnam của HLV Park Hang-seo thăng hạng K-League và do còn mới mẻ, có nhiều yếu kém, đã chỉ về thứ 13/14 ở cuối mùa.
Mùa giải đó, Seongnam thắng Gyeongnam 1-0 ở giai đoạn 1, rồi thắng 3-0 ở giai đoạn 2, đánh dấu một mùa K-League lấn lướt hơn hẳn của ông Kim Hak-bum. Ở sân chơi K-League Cup, Gyeongnam của thầy Park cũng phải chấp nhận thua 1-3 trước Seongnam.
Sang mùa 2007, Gyeongnam đã chơi tốt hơn, dù để thua Seongnam 0-2 ở lượt đi K-League nhưng đã thắng lại 2-1 tại lượt về. Ở giai đoạn đầu, Seongnam đứng đầu BXH thì Gyeongnam cũng vươn lên được vị trí thứ Tư (nhưng ở giai đoạn sau, Seongnam không thể vô địch mà chỉ về nhì).
Tại K-League, HLV Kim Hak-bum thành công hơn hẳn HLV Park Hang-seo. Ông Kim thậm chí đã 1 lần vô địch giải này.
Sang mùa 2008, HLV Park Hang-seo dẫn dắt Jeonnam Dragons còn ông Kim Hak-bum vẫn dẫn dắt Seongnam. Ở năm này, thầy Park thua trong cả 2 trận K-League với tỷ số 0-4 và 0-1.
Sau khi rời Seongnam cuối mùa 2008, tới tận năm 2012, ông Kim Hak-bum mới trở lại K-League dẫn dắt Gangwon. Thời điểm đó, HLV Park Hang-seo đang dẫn dắt Sangju Sangmu.
Đấy là một mùa giải đáng thất vọng cho cả 2 vị chiến lược gia khi Gangwon cán đích thứ 16/16 còn Sangju Sangmu chỉ hơn đúng 1 hạng.
Năm đó, hai CLB này có tới 4 lần đụng độ nhau khi K-League đã thay đổi thể thức thi đấu. Lần lượt, thầy Park Hang-seo thắng 3-0, thắng 2-1 rồi thua 2 trận còn lại với cùng tỷ số 0-2.
Đấy cũng là mùa giải cuối cùng 2 chiến lược gia này còn làm chung một giải đấu. Năm 2013, Gangwon của HLV Kim Hak-bum xuống hạng. Chiến lược gia này sau đó cũng trải qua một vài CLB, giống thầy Park cũng có đôi lần "nhảy việc" nhưng không còn chạm mặt nhau nữa.
Như vậy, trong thời gian cùng làm việc ở K-League, HLV Park Hang-seo đã đụng độ ông Kim Hak-bum tổng cộng 10 lần, thêm một lần ở K-League Cup với thành tích 3 thắng, 8 thua.
Cơ hội "đòi nợ" của HLV Park Hang-seo?
Có thể thấy trong quá khứ, nhiều thất bại của HLV Park Hang-seo trước ông Kim Hak-bum là vì vấn đề lực lượng thua kém. Ở thời điểm hiện tại, U23 Việt Nam rõ ràng cũng thua kém lực lượng so với U23 Hàn Quốc. Tuy nhiên, thầy Park chắc chắn có thể yên tâm hơn về lực lượng mình đang có trong tay.
Như HLV người Hàn Quốc từng nhiều lần chia sẻ, U23 Việt Nam đã đáp ứng rất tốt các yêu cầu chiến thuật của ông. Đấy là cơ sở lớn nhất là Việt Nam đoạt ngôi Á quân U23 châu Á và giờ tiến vào Bán kết Asiad 2018.
HLV Park Hang-seo chia vui với Đình Trọng sau chiến thắng (Ảnh: Tú Anh).
U23 Hàn Quốc thì ngược lại, từ VCK U23 châu Á cho tới Asiad 2018 đều thể hiện sự thiếu ổn định. Họ có những trận chơi tuyệt hay, nhưng cũng có những trận lại quả chủ quan khinh địch.
Ở chiến thắng 4-3 trước Uzbekistan, Hàn Quốc là đội mở tỷ số trước nhưng lại để bị dẫn trước 1-3, rồi sau đó mới thắng lại 4-3. Rõ ràng, sự bất ổn vẫn hiện hữu ở các học trò của HLV Kim Hak-bum.
Một vài thất bại trước một đối thủ nhất định ở giải đấu trường kì như K-League không quá quan trọng. Nhưng chỉ một thất bại ở Bán kết giải đấu ngắn hạn, danh giá như Asiad sẽ là rất khác biệt.
Nếu HLV Park Hang-seo có thể cùng U23 Việt Nam thắng U23 Hàn Quốc thì nói không ngoa, ông đã đòi lại hết được những thất bại trước ông Kim Hak-bum.