Ngày 9-8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về lĩnh vực đất đai và các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở TN-MT.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, cho biết trước năm 2010, DN có 3 khu đất được ký hợp đồng thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2010, DN chuyển thành Công ty TNHH MTV nhưng hợp đồng thuê đất ký vào năm 2009 lại mang tên Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn. Đến năm 2021, khi xử lý các vấn đề giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian thuê đất, cơ quan thuế phát hiện tên trên hợp đồng thuê và con dấu không khớp. Mặc dù DN đã xin chuyển tên nhưng chưa được Sở TN-MT giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi tổng công ty.
Cũng theo bà Thảo, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn có một số khu đất đã được phê duyệt thực hiện dự án, công trình đã đưa vào sử dụng. DN làm thủ tục xin cập nhật tài sản vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sở TN-MT lại bảo chờ ý kiến theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (Nghị định 167).
"Các khu đất đã được phê duyệt phương án tổng thể, đã có quyết định của UBND thành phố cho thuê đất vào năm 2014, đến nay 8 năm chưa được Sở TN-MT ký, một trong những khu đất đó có trụ sở tổng công ty" - bà Thảo nêu.
Các doanh nghiệp nhà nước nêu nhiều vấn đề vướng mắc liên quan tới thủ tục đất đai tại hội nghị sáng 9-8
Ngoài ra, tổng công ty có khu đất tại địa chỉ 203 Bình Quới, vào năm 2020 quận Bình Thạnh có kế hoạch thu một phần diện tích là 400 m2. Sau khi bị thu 400 m2, DN làm thủ tục xin giảm diện tích đất trên diện tích đang thuê, đã gửi hồ sơ nhưng đến nay Sở TN-TM vẫn chưa điều chỉnh giảm, trong khi hằng năm DN vẫn phải nộp thuế theo diện tích cũ. "Hai năm qua, hoạt động văn hóa đã khó lại càng khó khăn thêm vì tiền thuế không giảm, không gia hạn được" - bà Thảo nêu bất cập.
Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 4 đề nghị xem xét xác định nghĩa vụ tài chính đối với phần đất bổ sung tại dự án khu nhà ở phường 3, quận 4. Cụ thể, dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, công ty cũng đã nộp 17 tỉ đồng tiền sử dụng đất từ năm 2017 và 22,7 tỉ đồng cho phần diện tích đất tăng thêm gần 2.000 m2.
Tuy nhiên, Chi cục Thuế quận 4 cho rằng số tiền trên là tạm tính và đề nghị Sở TN-MT xác định tiền sử dụng đất cho phần đất chênh lệch nhưng từ 2019 đến nay, đã hơn 3 năm, Sở TN-MT vẫn chưa trả lời.
Giải đáp thắc mắc của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 4, Sở TN-MT cho biết đang rà soát hồ sơ liên quan đến việc xác định tiền sử dụng đất đối với khu đất dự án của công ty để hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. Tuy nhiên, do việc xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn, vướng mắc nên việc tham mưu xác định nghĩa vụ tài chính đối với khu đất còn chậm trễ, thời gian kéo dài.
Trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để thực hiện việc xác định nghĩa vụ tài chính tại dự án để công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận cho dự án.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho rằng tất cả DN nhà nước đang sử dụng nhà và đất đều phải thực hiện theo Nghị định 167 và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167. Sau đó, mới xử lý theo quy định của Luật Đất đai.
Ví dụ vấn đề tên cũ, tên mới, khi đã có quyết định phê duyệt tổng thể, DN phải nộp hồ sơ pháp lý có liên quan để xử lý lại. Cụ thể, DN phải trình lại toàn bộ hồ sơ để cơ quan chức năng có phương án xử lý đúng đối tượng, đúng với cái tên của DN như hiện nay. Về tính tiền thuê đất, tất cả những gì DN đang sử dụng thì ngành thuế vẫn thu theo mục đích và diện tích sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ cho nhà nước.
Với đề nghị của Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn về việc lập lại hợp đồng thuê đất để xử lý cho đúng cái tên, ông Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận có lỗi của Sở TN-MT và cả trách nhiệm tổng công ty. Do đó, ông Thắng đề nghị tổng công ty gửi nội dung kiến nghị thật chính xác để sở trả lời cụ thể.
Ông Thắng cho biết thêm sau buổi đối thoại, sở sẽ họp nội bộ để xem việc nào chưa làm tốt, làm chậm để sửa. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là quy định pháp luật hiện nay còn chồng chéo, các DN bị điều chỉnh khó khăn thì cơ quan thực thi pháp luật cũng gặp khó. Luật Đất đai ban hành có 25 thông tư, nghị định hướng dẫn, người thực thi phải thuộc hết các nội dung, còn nếu không nắm vững thì nguy cơ làm sai sẽ rất cao.
Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích huyện Cần Giờ cho biết DN đã nộp hơn 3,96 tỉ đồng đề chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án đầu tư xây nhà ở trên diện tích hơn 1.396 m2 tại đường Lê Trọng Mân, thị trấn Cần Thạnh. Sau đó, Ban Đổi mới Quản Lý DN thành phố không cho các DNNN thực hiện dự án xây nhà ở để bán, vậy DN có được nhận lại hơn 3,96 tỉ đồng đã nộp?
Giải đáp vấn đề này, đại diện Sở Tài chính thành phố đề nghị DN phải có văn bản, chứng cứ gửi đến cơ quan đã thu tiền để sở trả lời và giải quyết theo quy định của pháp luật. "Những DN nào thường xuyên đi đòi tiền mà DN đã nộp vào ngân sách, cần phải đeo bám và cần phải được sở, ngành đó trả lời bằng văn bản để DN không bị thâm vốn, không mất quyền lợi" - đại diện Sở Tài chính nói thêm.