Tây Du Ký 1986 là một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả Việt. Đây xứng đáng là tác phẩm kinh điển của phim truyền hình Trung Quốc khi vẫn giữ được sức hút sau 35 năm công chiếu. Phim kể về hành trình vượt qua 81 kiếp nạn để tới Tây Trúc thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Cho đến tận bây giờ, vẫn có nhiều chi tiết trong phim khiến khán giả tò mò.
Nhiều người xem Tây Du Ký có chung một thắc mắc rằng trong khi các vị tiên đứng đầu trong Tây Du Ký đều có linh thú cưỡi như: Thanh Ngưu của Thái Thượng Lão Quân, Kim Mao Hống của Quan Âm Bồ Tát hay Chín Rồng của Ngọc Hoàng,… thì chỉ riêng Phật Tổ Như Lai lại dùng vật đặc biệt để di chuyển thay vì thú cưỡi.
Cụ thể, mỗi khi Phật Tổ xuất hiện đều ngồi hoặc đứng trên đài sen, phía sau có một vòng tròn Phật phát sáng. Giải thích cho điều này, trong Kinh Nhân Quả có viết khi phật Thích Ca Mâu Ni hạ phàm, thần thú được ngài dùng để cưỡi là một con voi trắng. Không những vậy, trong câu chuyện về giấc mơ của mẹ Maya có nhắc tới việc trước khi sinh ra Thích Ca Mâu Ni, Maya đã mơ thấy một con voi trắng chui vào bụng mình. Chính vì thế mà sau này, voi trắng được xem là linh thú đứng đầu trong đạo Phật, chỉ những người đứng đầu nhà Phật mới được cưỡi linh thú này.
Tuy nhiên, về sau Thích Ca tu thành Phật thì không còn cưỡi voi trắng nữa. Thay vào đó, ngài gửi thân mình cho đài sen. Bởi lẽ, đài sen là biểu tượng cao quý nhất, mang lại sự an tịnh cho tâm hồn. Điều này cũng nói lên mong muốn của Phật Thích Ca rằng tạo hóa có thể cùng nhau hòa hợp, sinh sống và phát triển.
Trong Tây Du Ký 1986, khi Tề Thiên Đại Thánh đến gặp Phật Tổ, ngài đã nói với y rằng chỉ cần yên tâm bảo vệ Đường Tăng đến Tây Thiên thỉnh kinh rồi sau đó sẽ được ngồi trên một đài sen. Điều này như ngầm khẳng định việc Tôn Ngộ Không sớm muộn cũng trở thành Phật. Quả thực, trải qua 81 kiếp nạn, đại đồ đệ của Đường Tăng sau này đã được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật, là nhân vật nhận được sự yêu mến to lớn của khán giả nhiều thế hệ.