Trong bài viết, cô bày tỏ về sự "xót ruột" của mình sau khi phải đóng mới những khoản học phí lớn, trong khi các con nhiều tháng liền không được đến trường còn việc học online thì không hiệu quả và mất thời gian công sức của bố mẹ.
"Cám cảnh lắm các mẹ ạ! Đóng tiền học cho con xong mà bần hết cả cái thần người. May cho em, hoàn cảnh không đến nỗi không lo được cho con nhưng cảm giác xót ruột thì không thể tránh khỏi.
Dịch dã liên miên, năm ngoái học hành online bập bà bập bõm, năm nay thì chưa biết đến khi nào mới được đi học mà nhà trường đã thu cả năm (học phí, bán trú, xây dựng trường, học phẩm, phí dã ngoại …) chẳng thiếu khoản nào.
Biết là khó khăn chung nhưng nhà trường khó 1 thì phụ huynh cũng không thể dễ được. Bao nhiêu thời gian thầy cô online là từng ấy thời gian (thậm chí nhiều hơn) phụ huynh bên cạnh để hỗ trợ, hướng dẫn, kèm cặp, phối hợp với thầy cô giáo.
Lúc học offline, các con ở trường từ 8h sáng đến 4 rưỡi chiều. Đến khi học online thì thường chỉ sáng 1 tiếng, chiều 1 tiếng còn lại chủ yếu lịch là tự học (mà tự học nghĩa là phụ huynh cầm tay chỉ việc chứ làm sao tụi 5, 6 tuổi tự được!?).
Nhà em 2 đứa tiểu học, trong đó 1 đứa vừa lớp 1, đọc, viết còn chưa xong đã phải học online với máy tính, lệnh nọ, lệnh kia.
Thật sự, em vẫn luôn cho rằng, tụi tiểu học học online là sản phẩm duy ý chí của người lớn chứ không hề hiệu quả cho việc học. Nhưng thôi, nhà trường quyết vậy, mình cho con theo học thì cũng phải tôn trọng quyết định của nhà trường.
Chỉ thấy buồn. Buồn vì đáng ra khi gặp khó khăn phải nương tựa nhau để cùng vượt khó chứ không phải là đá quả bóng sang chân người khác, phải không ạ!?", Đan Lê viết.
Nỗi lòng của Đan Lê cũng là nỗi lòng của rất nhiều các bậc phu huynh khác đang có con nghỉ học vì dịch bệnh mà vẫn phải đóng những khoản chi phí lớn. Chính vì thế mà bài viết này của cô nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như những ý kiến bày tỏ quan điểm cá nhân khác.
Tuy nhiên, cũng có bình luận cho rằng khoản học phí đó chỉ là "có nhúm của phần đại gia mà cứ càm con nhà bà ràm". Trước ý kiến này, Đan Lê bình tĩnh đáp: "Ô hay, chuyện này có liên quan gì đến đại gia với tiểu gia đâu!?".
Còn khi một dân mạng khác hỏi Đan Lê về việc sang ngôi trường có quan điểm học phí khác, cô đáp: "Đúng là rất dễ nếu đó là bản thân chị. Chị ra chợ mua cái áo, nếu thấy cái áo đắt quá, chị sẽ không mua nữa. Nhưng sản phẩm giáo dục không giống như vậy.
Mỗi hệ thống giáo dục sẽ có chương trình, giáo trình học khác nhau mà khi đã theo phải kiên trì đi đến cuối. Nếu có chuyển đổi cũng cần có lộ trình chứ không phải nói là làm ngay được em ạ".
Được biết, hiện 2 con trai Đan Lê đang theo học ở một trường tư thục, có mức học phí khá cao trên địa bàn Hà Nội.