Tuy nhiên, cả hai lần, hạm đội Mông Cổ đã bị bão lớn tiêu diệt, cứu Nhật Bản khỏi sự xâm chiếm của đế quốc hùng mạnh vào thời đó. Người Nhật tin rằng những cơn bão đã được gửi đến từ các vị thần để bảo vệ họ khỏi kẻ thù và gọi đó là Kamikaze, có nghĩa là "Thần phong", hay "Gió thần".
Gió thần thắng quân xâm lược
Sau cuộc chinh phục Trung Quốc năm 1230 và Triều Tiên năm 1231, Hốt Tất Liệt sáng lập ra triều đại nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Ở cách nước láng giềng khổng lồ chỉ 160km đường biển, người Nhật Bản luôn lo lắng cuộc xâm lược sẽ đến bất cứ lúc nào.
Thực tế từ năm 1267 đến năm 1274, Hốt Tất Liệt đã gửi nhiều thông điệp đến Hoàng đế Nhật Bản, yêu cầu ông phải quy phục Mông Cổ, nếu không đất nước sẽ bị tàn phá bởi một cuộc tấn công tàn khốc. Tuy nhiên, các sứ giả đã bị chặn lại bởi vị Tướng quân, người có quyền lực thực sự đằng sau ngai vàng, và những thông điệp này không bao giờ đến được với Thiên hoàng.
Hốt Tất Liệt vô cùng tức giận vì không nhận được hồi âm từ "người cai trị một đất nước nhỏ bé" nên thề sẽ xâm chiếm nước Nhật bằng vũ lực. Ông ra lệnh xây dựng một hạm đội tàu chiến hùng mạnh và tuyển mộ hàng nghìn chiến binh từ Trung Quốc và Triều Tiên để thực hiện mục tiêu này.
Vào mùa Thu năm 1274, quân Mông Cổ tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Nhật Bản, với trận chiến được gọi là "trận Bun’ei". Ước tính có khoảng 500 - 900 tàu và 40.000 chiến binh, đã đến bờ vịnh Hakata. Tại đây, quân Mông Cổ mở cuộc tấn công dữ dội, buộc quân Nhật phải rút lui.
Tuy nhiên, sợ quân Nhật quay trở lại với viện binh hùng hậu, quân Mông Cổ đã rút hết về tàu của họ để tránh bị tập kích bất ngờ. Đêm đó, một cơn bão ập vào vịnh Hakata, đánh đắm phần lớn tàu thuyền của quân Mông Cổ, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Nhờ vậy, người Nhật thoát khỏi cuộc binh đao.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Mông Cổ vẫn quyết tâm chinh phục Nhật Bản. Họ củng cố lại hạm đội và tuyển mộ số lượng lớn các chiến binh. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã chuẩn bị lực lượng để phòng thủ, xây dựng những bức tường cao 2m bao bọc vịnh Hakata đề phòng những cuộc tấn công trong tương lai.
Bảy năm sau, quân Mông Cổ quay trở lại với một hạm đội khổng lồ, gồm 4.400 tàu và ước tính từ 70.000 - 140.000 binh lính để tiến hành cuộc xâm lược Nhật Bản lần thứ hai. Một đội tàu chiến khởi hành từ Triều Tiên, đội khác xuất phát từ miền Nam Trung Quốc.
Cả hai hợp nhau gần vịnh Hakata vào tháng 8 năm 1281. Không tìm thấy bãi đổ bộ thích hợp do bị các bức tường thành che chắn, hạm đội phải neo đậu bên ngoài và gặp khó khăn về nguồn lương thực cung cấp.
Ngày 15 tháng 8, quân Mông Cổ chuẩn bị mở cuộc tấn công tổng lực vào các đội quân nhỏ của Nhật Bản đang bảo vệ hòn đảo Kyushu. Tuy nhiên, một cơn bão lớn lại ập đến, đánh đắm hạm đội và làm thất bại âm mưu xâm lược của người Mông Cổ một lần nữa.
Các tài liệu đương đại của Nhật Bản cho thấy, hơn 4.000 tàu đã bị phá hủy và 80% binh lính bị chết đuối hoặc bị các samurai giết chết trên các bãi biển. Từ đó, người Mông Cổ không bao giờ tấn công Nhật Bản nữa.
Truyền thuyết Kamikaze
Phi công cảm tử của Phi đội Thần phong.
Theo truyền thuyết Nhật Bản, Kamikaze được tạo ra bởi Raijin, vị thần của tia chớp, sấm sét và bão tố, giúp bảo vệ Nhật Bản chống lại quân Mông Cổ. Là một trong những vị thần lâu đời nhất của Nhật Bản, thuộc Shinto (Thần đạo) nguyên thủy, Raijin còn được gọi là kaminari (có nguồn gốc từ kami "linh hồn" hoặc "vị thần" và nari "sấm sét"). Một biến thể khác của truyền thuyết nói rằng, những cơn bão Kamikaze được tạo ra bởi Fujin (thần gió).
Vào những năm 1980, các chuyên gia đã phát hiện các xác tàu đắm ngoài khơi đảo Takashima ở miền Nam Nhật Bản. Sau đó, chúng được định vị lại vào những năm 1990, bởi một nhóm các nhà khảo cổ học người Nhật.
Những con tàu đắm khác cũng đã được tìm thấy kể từ năm 2011, sau nhiều năm tìm kiếm bởi Hiệp hội Khảo cổ học dưới nước Kyushu Okinawa. Đây là những con tàu được cho là của quân Mông Cổ đã bị bão nhấn chìm.
Vào năm 2014, National Geographic tường trình rằng, nhà địa chất học Jon Woodruff đã tìm thấy bằng chứng ủng hộ truyền thuyết về các kamikaze đã cứu Nhật Bản thoát khỏi sự xâm lược của quân Mông Cổ. Bằng cách khai quật trầm tích từ đáy hồ gần bờ biển Nhật Bản, các nhà khoa học kết luận, họ đã có "bằng chứng khá vững chắc về hai trận ngập lụt dữ dội vào cuối thế kỷ 13".
Xem xét thời điểm của hai cơn bão, hoàn toàn trùng khớp với hai cuộc xâm lược Nhật Bản, có thể dễ dàng hiểu tại sao những cơn bão lớn này được xem như quà tặng của các vị thần. Nếu không phải vì hai cơn bão kamikaze, rất có thể Nhật Bản đã bị quân Mông Cổ chinh phục, tạo ra một tương lai rất khác ở đất nước này.
Thuật ngữ kamikaze sau này được sử dụng trong Thế chiến II để chỉ các phi công cảm tử Nhật Bản liều mình lao máy bay của họ vào các mục tiêu của đối phương, thường là tàu chiến. Bằng chiến thuật này, họ đã gây nhiều thiệt hại cho hạm đội Hoa Kỳ.
Phong trào kamikaze phát triển từ sự tuyệt vọng, khi người ta thấy rõ rằng Nhật Bản sẽ thất bại trong cuộc chiến. Từ kamikaze đã được kết hợp vào tiếng Anh sử dụng hằng ngày để chỉ những người chấp nhận rủi ro lớn mà không quan tâm đến sự an toàn của bản thân.