THÂN PHẬN NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO: "Không chơi thể thao, tôi chẳng biết làm gì"

Đào Tùng |

Thường bị nhầm với một đồng đội xinh đẹp và tài năng ở tổ cự ly ngắn, Nguyễn Thị Oanh tự hào khi tên tuổi của cô được giới chuyên môn đánh giá rất cao trên đường chạy cự ly trung bình của cả khu vực lẫn châu lục.

Tháng 8-2018, Nguyễn Thị Oanh ra sân tranh tài cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật tại Á vận hội 2018. Lọt thỏm giữa đám đông đối thủ vượt trội về hình thể lẫn sức mạnh, chẳng ai nghĩ cô gái vóc dáng nhỏ thó chỉ khoảng 1,5 m lại có thể vượt qua gần như tất cả để về đích thứ ba, giành luôn tấm HCĐ đại hội.

Ngay tại đích đến, chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy nhìn vào thông số thành tích 9 phút 43 giây 83 và thốt lên: "Nữ VĐV đầu tiên của Việt Nam hoàn thành cự ly này dưới 10 phút đấy, điều chưa từng có của điền kinh Việt Nam tại ASIAD". Thật khó tin cô gái "không phổi" này với thành tích phá kỷ lục quốc gia đến 19 giây 15 tồn tại kể từ năm 2000.

Buổi đầu gian nan

Tháng 12-2019, với phong độ cực kỳ ổn định, Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành HCV ở các đường chạy 1.500 m, 3.000 m và 5.000 m vượt chướng ngại vật, 3 nội dung "siêu khó" tại SEA Games 30. Điều đáng nói là chỉ trong vòng 1 ngày, buổi sáng Oanh về nhất ở cự ly 5.000 m và buổi chiều tiếp tục ra sân, lấy nốt tấm HCV 3.000 m vượt chướng ngại vật, đồng thời xô đổ luôn kỷ lục SEA Games.

Ngay sau khi về đích, Oanh đã gục xuống đường chạy và lả người đi vì quá mệt. Thời tiết thay đổi, bị mất ngủ nhiều ngày liền cộng thêm việc phải chạy gần 10.000 m chỉ trong vòng 3 ngày với cường độ vận động cực cao đã khiến cô gái nhỏ bé kiệt sức. Khoảnh khắc xúc động này chắc chắn sẽ là một trong những "biểu tượng" của thể thao Việt Nam vượt khó vươn lên ở kỳ đại hội trên đất Philippines.

Quê ở Bắc Giang, Nguyễn Thị Oanh là một trong những "hiện tượng" đặc biệt hiếm hoi của bộ môn điền kinh với chiều cao chỉ khoảng 1,5 m nhưng lại chọn thi đấu ở nội dung gian khó 3.000 m vượt chướng ngại vật. Thi đấu ở lứa tuổi trẻ, Oanh đã liên tiếp giành được HCV ở Giải Vô địch trẻ Đông Nam Á lẫn Giải Vô địch trẻ châu Á trước khi đoạt ngôi á quân SEA Games 27-2015.

Trong nước, cô gái nhỏ bé này hầu như không có đối thủ xứng tầm ở nội dung sở trường, thậm chí "lấn sân" tốt sang một số cự ly chạy trung bình khác. Tại SEA Games 2017, do nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật không được nước chủ nhà Malaysia đưa vào tranh tài chính thức, Nguyễn Thị Oanh được đăng ký thi đấu 1.500 m và 5.000 m và xuất sắc giành HCV ở cả 2 nội dung không phải sở trường này.

Chính 2 tấm HCV quý hơn... vàng kể trên là tiền đề để cô gái 22 tuổi này được gọi bổ sung vào đội tuyển điền kinh quốc gia tháng 3-2018 chuẩn bị dự ASIAD và thăng hoa khi chạm tay đến tấm huy chương châu lục.

THÂN PHẬN NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO: Không chơi thể thao, tôi chẳng biết làm gì - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Oanh (0962) giành HCV 5.000 m tại SEA Games 30. Ảnh: Ngọc Linh

Nghị lực phi thường

Nhà có đến 8 chị em, gia đình làm nghề nông thiếu thốn đủ đường nên cô bé Oanh gầy gò, đen nhẻm nhưng hiếu động chẳng bao giờ nghĩ với chiều cao thiếu thước tấc của mình lại có ngày bước vào con đường thể thao, đặc biệt là môn điền kinh vốn đòi hỏi rất nhiều về hình thể.

Năm 15 tuổi, Oanh được gọi vào đội điền kinh Bắc Giang, thử sức ở nhiều nội dung để rồi quyết định gắn với cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật, phù hợp nhất nhưng cũng gian khổ nhất. Năm 2012, cô tham gia đội tuyển trẻ quốc gia và đó là quãng thời gian mà cô không bao giờ quên khi nhớ lại những buổi tập đến kiệt sức, không đi nổi, chẳng ăn được do nôn vì quá tải.

Cô bé chưa ở độ tuổi trưởng thành đã nhiều lần khóc thầm vì quá cực nhọc nhưng trót đam mê nên đành phải tiếp tục với suy nghĩ đơn giản: "Không chơi thể thao, tôi chẳng biết làm gì".

Năm 2014, Oanh bị mắc chứng bệnh viêm cầu thận. Cô bị đội tuyển trả về, phải nhập viện điều trị kèm lời cảnh báo của bác sĩ "cấm tập luyện thể thao". Hàng tháng trời, Oanh phải ăn uống kiêng khem, mặt sưng phồng trong khi cơ bắp bị teo rất tệ hại. Thế nhưng, với nghị lực phi thường, khi sức khỏe ổn định, Oanh bắt tay vào tập luyện giữa năm 2015.

Chưa đầy 3 năm, cô tỏa sáng rực rỡ theo cách của mình, ngoài tấm HCĐ Á vận hội còn là 3 HCV cùng với 3 kỷ lục Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 trên đường chạy 1.500 m, 3.000 m và 5.000 m vượt chướng ngại.

Giấc mơ đến Olympic

Oanh đặt ra nhiều mục tiêu cho riêng mình trong năm 2019 và đã hoàn thành xuất sắc khi chinh phục cú hat-trick HCV tại SEA Games 30. "Tôi từng có vinh dự tham gia lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 2014 rồi… ở nhà. Đã được tranh tài ở Á vận hội và giờ đây, tôi lại mơ góp mặt tại Olympic. Tại sao không nhỉ sau biết bao cố gắng của bản thân, của thầy trò và của đội tuyển điền kinh Việt Nam?" - Oanh chia sẻ.

Ban đầu không ủng hộ con gái theo nghiệp thể thao nhưng giờ đây, bố mẹ thực sự tự hào về Nguyễn Thị Oanh. Cô tốt nghiệp Đại học TDTT tháng 6-2018 nhưng chắc chắn vẫn sẽ còn ra sân thi đấu lâu dài một khi điền kinh vẫn là niềm đam mê, đã trở thành máu thịt và sẽ còn tiếp tục là điểm tựa cho cô bay cao, bay xa trong sự nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại