Bị chứng kiến là đang khóc ở nơi công cộng, người ta sẽ có thể dè bỉu nghĩ trong lòng là người này đang cố tỏ ra mình yếu đuối, đang làm màu hay muốn được người khác thương hại, đặc biệt đối với đàn ông - những người được mặc định là “phái mạnh”, thì có thể bị coi là yếu đuối, là ủy mị và thậm chí kém cỏi, vô dụng.
Nghiên cứu cho biết phụ nữ khóc nhiều gấp 4 lần nam giới - trung bình 5,3 lần mỗi tháng so với 1,4 lần ở nam giới. Khoảng 6% phụ nữ nói rằng họ không bao giờ khóc trong khi con số này là những 50% ở nam giới.
Khóc đâu có phân biệt địa điểm nơi chốn. Các nhân viên cũng không tránh khỏi việc không kìm được mình mà bật khóc ở chốn văn phòng. Đó là khi bị sếp đánh giá thấp và trừ lương, là khi xảy ra mâu thuẫn khó giải quyết với đồng nghiệp, là khi bạn đang gặp chuyện buồn trong gia đình. Không có gì ngạc nhiên, mọi người đang phải gánh chịu căng thẳng nhiều hơn bao giờ hết từ nỗi lo tài chính, từ sự quá tải mệt mỏi với công việc, từ gánh nặng thăng quan tiến chức, từ đủ mọi loại người trên mạng xã hội dòm ngó.
“Thân là đàn ông mà bật khóc ở nơi làm việc thật đáng xấu hổ.” Đồng nghiệp có thể nghĩ gì, ở chỗ cần thể hiện sự cứng rắn, kiên định, chuyên nghiệp như thế này mà lại có hành động như vậy thì hình ảnh của bạn sẽ thành ra sao?
Tuy nhiên, theo Judith Orloff, MD, bác sĩ tâm thần và tác giả của cuốn "The Empath’s Survival Guide: Life Strategies for Sensitive People", khóc thể hiện bạn là một người biết cảm thông.
Ngày nay con người đã trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều rồi. Mạng xã hội cũng giúp con người ta thể hiện được cảm xúc bản thân nhiều hơn, những sự chê bai, dè bỉu chỉ vì bộc lộ cảm xúc buồn đau khi khóc đã bị nhiều người lên án. Khi một người khóc trước mặt người khác, điều đó thể hiện rằng ở họ có lòng trắc ẩn.
Theo Anne Kreamer, một nhà báo chuyên nghiên cứu về cân bằng công việc/cuộc sống và là tác giả của cuốn sách “It Always Personal” khẳng định bất ngờ rằng “lòng trắc ẩn, sự cảm thông chính là một đặc điểm cần có ở mọi người nơi làm việc, đặc biệt là ở những nhà lãnh đạo hiện đại ngày nay”.
Khóc giúp bạn tự đánh giá được chất lượng công việc
Không bao giờ nên hở ra một tí là khóc lóc, nhưng dù là đàn ông thì cũng đừng để bản thân chai sạn. Khi đó thì chính bạn là người khổ ở đây. Thỉnh thoảng, cũng cần xuất hiện những giọt nước mắt để bạn nhạy cảm hơn, để bạn sớm biết là đang có vấn đề với công việc của mình cần sớm giải quyết trước khi vấn đề tồi tệ hơn: công việc đang bị quá tải, bạn đang bị công ty bóc lột, không được sếp trọng dụng?...
Thay vì cố gắng kìm nước mắt trong một cuộc họp, hãy tạm dừng và xử lí cảm xúc của mình. Bình tĩnh sử dụng thời gian đó để tự hỏi bản thân tại sao mình lại thất vọng, buồn bã; vấn đề gì đang diễn ra và tìm hiểu cách đối phó tốt hơn trong tương lai để bản thân mình không còn vì vấn đề ấy mà lay động quá mức nữa.
Nước mắt giúp giải phóng hormone gây căng thẳng
Có một lý do khoa học lý giải tại sao khóc có thể giúp ích cho công việc của bạn. Theo Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO), khi bạn rơi nước mắt vì xúc động, bạn cũng tiết ra prolactin và leu-enkephalin, hai hormone có vai trò điều chỉnh tâm trạng. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy phản ứng này giúp cơ thể trở về trạng thái trung tính sau khi khóc và giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn. Đã là thời nào rồi, công việc không đáng phải trở thành nỗi ác mộng nghẹt thở. Hãy tiếp cận công việc một cách tích cực hơn vì bạn sẽ phải dính lấy nó mấy chục năm trời cơ mà!
Biết là vậy, nhưng hãy làm điều này trước khi khóc ở nơi làm việc
Khóc tại nơi làm việc có thể giúp bạn xử lý cảm xúc, có một nền tảng sức khỏe tinh thần tốt hơn rất nhiều tại nơi làm việc và từ đó nâng cao chất lượng và năng suất làm việc.
Tuy nhiên, cần đánh giá và xem xét xem môi trường và đồng nghiệp tại nơi bạn làm việc như thế nào. Một số sếp là những người thấu tình đạt lý, có trái tim bao dung rộng lớn và biết cảm thông cho cảm xúc của người khác thì sẽ dễ dàng chấp nhận những giọt nước mắt hơn. Nhưng người hay đánh giá, có những phân biệt, định kiến mà bạn chưa thể thay đổi thì hãy tìm một không gian riêng tư trước khi thể hiện cảm xúc của mình. Sự thoải mái thể hiện cảm xúc cũng bắt đầu nên là một yếu tố để bạn quyết định xem môi trường làm việc của công ty đó có thực sự tốt cho mình hay không!