Đầu năm 2018, Bộ Quốc phòng Myanmar xác nhận nước này đã ký hợp đồng mua 6 máy bay tiêm kích Su-30SME của Liên bang Nga. Tuy con số không lớn, thế nhưng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á nhập khẩu dòng máy bay Su-30SM đã gây bất ngờ lớn với giới quân sự khu vực và thế giới.
Bước đi này có thể đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của Không quân Myanmar khiến các quốc gia từng xếp "chiếu trên" ở khu vực phải ngoái nhìn trong sự ngỡ ngàng.
Bởi trước đó, cho tới đầu năm 1990, Không quân Myanmar xếp "bét bảng" với dàn trang bị lỗi thời, thậm chí không có máy bay chiến đấu siêu âm.
Lạc hậu, trì trệ, xếp bét bảng!
Tiền thân của Không quân Myanmar là Không quân Miến Điện chính thức thành lập ngày 16/1/1947 khi mà đất nước này khi đó còn nằm dưới sự cai trị của Anh.
Lực lượng không quân thời bấy giờ của Miến Điện được biết tới là khá hiện đại, hơn hẳn nhiều quốc gia trong khu vực với 3 tiêm kích Spitfire, 40 máy bay ném bom - huấn luyện Airspeed Oxfords và 16 máy bay huấn luyện 2 tầng cánh Tiger Moths.
Năm 1953, Không quân Miến Điện trải qua cuộc hiện đại hoá quy mô đầu tiên trong lịch sử với việc mua 30 chiếc Spitfire từ Israel và 20 máy bay Seafires từ Anh.
Liên tiếp tới năm 1958, Miến Điện liên tục mua sắm thêm từ Mỹ máy bay chiến đấu cánh quạt và trực thăng.
Năm 1964, Không quân Miến Điện lúc này đã có gần 6.000 người, hoà chung "không khí" trang bị máy bay chiến đấu động cơ phản lực, nước này quyết định mua 15 chiếc T-33 Shooting Star.
T-33 Shooting Star mà Miến Điện mua vốn là dòng máy bay phản lực huấn luyện chiến đấu, tuy nhiên nó có khả năng tấn công đối đất bằng bom và rocket. Có thể nói, đây là loại máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên mà Miến Điện có trong tay.
Máy bay T-33 từng trang bị trong Không quân Miến Điện.
Nó cũng trở thành chiến đấu cơ "hiện đại nhất" của Miến Điện cho tới tận cuối những năm 1980. Bởi sau hợp đồng T-33, nước này không còn thương vụ nào lớn liên quan tới máy bay phản lực.
Trong hai đợt mua sắm lớn năm 1976 và đầu những năm 1980, Miến Điện chủ yếu trang bị trực thăng vận tải đa dụng và máy bay huấn luyện động cơ cánh quạt Pilatus.
Dù không phải trải qua các cuộc chiến tranh quy mô lớn, tuy nhiên Không quân Miến Điện suốt gần nửa thế kỷ nhìn chung phát triển chậm chạp. Thậm chí, trong khi từ năm 1965 Việt Nam đã có máy bay tiêm kích siêu âm thì nước này mới chỉ có máy bay huấn luyện cận âm.
Có lẽ do không phải đối mặt với cuộc chiến lớn nên bản thân Không quân Miến Điện tự trì trệ, chậm tiến so với các quốc gia khác.
Năm 1989, chính quyền quân sự lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính, Không quân Miến Điện được đổi tên thành Không quân Myanmar. Lực lượng này bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển vũ bão khiến cả khu vực ngỡ ngàng.
Tạm biệt hạng bét với 100 máy bay Trung Quốc
Đầu những năm 1990, Không quân Myanmar tiến hành đợt mua sắm lớn đầu tiên với 100 máy bay chiến đấu phản lực từ Trung Quốc gồm: tiêm kích F-7, cường kích A-5C, máy bay vận tải Y-8, máy bay huấn luyện K-8...
Tiêm kích F-7 của Myanmar.
Trong đó F-7 tuy chỉ là phiên bản sao chép MiG-21 của Liên Xô, nhưng với Myanmar đó là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của họ thời kỳ này. Nó góp phần bảo vệ không phận lớn của Myanmar từ lâu đã bị "bỏ bê" cho dàn máy bay "hạng bét".
Ngoài các hợp đồng khổng lồ với Trung Quốc, Myanmar còn mua lại 20 máy bay cường kích hạng nhẹ Sokol G-4 của Tiệp Khắc năm 1991. Tuy nhiên, mới chỉ chuyển giao được 6 chiếc thì Tiệp Khắc tan rã, thương vụ dở dang và không thể hoàn thành.
Với không quân trực thăng, Myanmar từ bỏ Mỹ và chuyển hẳn sang mua các dòng trực thăng từ Ba Lan (PZL W-3) và Nga (Mi-17) giai đoạn 1991-1997.
Năm 2001, Myanmar bắt đầu hướng tới máy bay chiến đấu Nga, tuy nhiên hợp đồng mua máy bay Nga sản xuất đầu tiên lại là với Belarus mua lại 12 tiêm kích MiG-29 hiện đại.
Tuy là máy bay cũ, nhưng so với F-7, MiG-29 hiện đại hơn hẳn về mọi thứ, có khả năng lúc bấy giờ Myanmar sắm MiG-29 chỉ là nhằm đánh giá về loại máy bay mới trước khi quyết định đầu tư "cú lớn".
Tất nhiên, những chiếc máy bay Nga đã không làm Myanmar thất vọng, 9 năm sau họ bắt đầu bước vào giai đoạn hiện đại hoá tiếp theo với những hợp đồng "khủng" giúp không quân nước này đạt "một bước lên tiên".
Biên đội MiG-29 của Myanmar.
Vụt sáng thành sao với Su-MiG!
Tháng 12/2019, Không quân Myanmar ký hợp đồng trị giá 570 triệu USD với Liên bang Nga mua 20 máy bay tiêm kích MiG-29 gồm: 10 MiG-29B, 6 MiG-29SE và 4 MiG-29UB.
Trong đó, MiG-29SE là loại hiện đại hơn cả, nó tốt hơn hẳn so với MiG-29B và dĩ nhiên F-7 không thể nào so. Thậm chí, nói không ngoa có thể ví "lái F-7 như đi xe đạp, còn lái MiG-29SE mới là ngồi máy bay thực thụ".
MiG-29SE là phiên bản xuất khẩu của MiG-29S - thế hệ hai của dòng MiG-29 với việc nâng cấp sâu về hệ thống điện tử nhất là radar N-019ME có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc, dẫn bắn đồng thời hai tên lửa.
Máy bay có thể triển khai loại tên lửa không đối không hiện đại R-77, R-27T1, tuy nhiên đáng tiếc là không thể mang các loại bom thông minh.
Đáng chú ý, cùng thời điểm này, Myanmar mua 10 trực thăng tấn công Mi-35 tăng cường đáng kể khả năng chi viện hoả lực tầm gần, thấp thấp cho lục quân.
Từ một lực lượng lạc hậu, chỉ trong vòng 19 năm, Không quân Myanmar đã khiến cả Đông Nam Á phải ngỡ ngàng trước quá trình xây dựng lực lượng một cách thần kỳ của mình.
Và có lẽ, thời điểm đó không ai tưởng tượng rằng, không đầy 10 năm sau mình phải thèm thuồng với kế hoạch hiện đại hoá lần tiếp theo của Myanmar với hàng loạt các hợp đồng lớn đưa không quân nước này lên top đầu.
Máy bay Su-30SM.
Tháng 3/2017, Myanmar khiến cả giới quân sự khu vực xôn xao khi nhận bàn giao 3 máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực tiên tiến Yak-130 theo hợp đồng mua 6 chiếc ký năm 2015. Lúc bấy giờ, họ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu Yak-130.
Trong khi "cú sốc" thứ nhất còn chưa "nguôi ngoai" thì Myanmar lại cho cả Đông Nam Á "tin chấn động thứ hai".
Tháng 1/2018, truyền thông thế giới loan tin Myamar chính thức xác nhận việc họ đã ký hợp đồng mua 6 máy bay tiêm kích đa năng Su-30SME.
Với quyết định này, Myanmar trở thành nước đầu tiên ở khu vực, đầu tiên ở châu Á sở hữu máy bay tiêm kích tiên tiến thế hệ 4++.
So với các phiên bản Su-30MK2 mà Việt Nam, Indonesia sử dụng thì Su-30SME mới ra mắt chính thức năm 2016 tại Singapore Air Show "hơn hẳn một cái đầu".
Theo tạp chí Jane's, Su-30SME trang bị cặp động cơ AL-31FP có kiểm soát véc tơ lực đẩy tích hợp vòi phun có thể chuyển hướng, tải trọng 8 tấn vũ khí với 12 điểm treo.
Máy bay trang bị hệ thống radar cực mạnh có thể theo dõi 15 mục tiêu cùng lúc, dẫn bắn 4 tên lửa đồng thời để tiêu diệt 2-4 máy bay địch.
Có thể nói, với "song kiếm" MiG-29 và Su-30SME, Không quân Myanmar nay đã ở tầm khác. Giờ đây chắc chắn không ai có thể ý kiến gì nhiều nếu xếp Myanmar vào top đầu khu vực Đông Nam Á.
Thậm chí với các hợp đồng mua sắm diễn ra khá đều đặn và đúng đắn, Không quân Myanmar có thể vươn tới top 1-2 chỉ trong 5-10 năm tới nếu họ tiếp tục mua thêm Su-30SME và mua tiếp Su-35.
Đáng chú ý, ngoài máy bay Su-MiG, Myanmar vẫn tiếp tục "chừa một vị trí" cho các máy bay xuất xứ Trung Quốc. Năm 2015, họ đã ký mua 16 máy bay tiêm kích JF-17 Thunder do Trung Quốc thiết kế, Pakistan sản xuất. 4 chiếc đã được chuyển giao và xuất hiện trong cuộc duyệt binh tháng 12/2018.
Video sức mạnh Không quân Myanmar.