Bỏ ngành học "quý tộc" để chọn Vật lý
GS. Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có bố là Đàm Trung Bảo (giáo sư ngành Hóa), còn mẹ là Nguyễn Thị Hảo (Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành sinh - hóa).
Ngay từ bé, GS. Đàm Thanh Sơn đã được mệnh danh là "thần đồng". Mới học lớp 2 (lớp 3 hiện nay), cậu bé 7 tuổi đã giải được toán lớp 10 (lớp 12 hiện nay). Ông theo học chuyên Toán - Tin của Trường Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS. Đàm Thanh Sơn thời còn thuở ấu thơ
GS. Đàm Thanh Sơn đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế khi mới 15 tuổi với số điểm tuyệt đối 42/42. Nhờ thành tích đoạt Huy chương vàng Toán quốc tế, GS. Đàm Thanh Sơn được gửi sang Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov (Liên Xô cũ) để học đại học.
Ai cũng nghĩ với thành tích huy chương vàng Toán quốc tế, GS. Đàm Thanh Sơn sẽ học khoa Toán vốn là khoa "quý tộc" của trường. Nhưng chàng trai trẻ Đàm Thanh Sơn cương quyết chọn học ngành Vật lý.
GS. Đàm Thanh Sơn
"Hầu như tất cả mọi người đều nghĩ tôi sẽ chọn học Toán vì tôi đã học chuyên Toán, lại có thành tích nổi bật khi thi Toán quốc tế. Nhưng tôi đã chọn môn Vật lý vì hồi còn bé tôi đã thích môn này hơn". GS. Đàm Thanh Sơn tâm sự.
"Hồi nhỏ, tôi có đọc một số sách phổ biến khoa học như: Vật lý vui của tác giả Yakov Perelman, Câu chuyện các hằng số Vật lý cơ bản của tác giả Đặng Mộng Lân… Tôi thấy thuyết Tương đối của Einstein, Thuyết cơ học lượng tử rất hay nên tôi muốn tìm hiểu thêm về các môn này. Do vậy, tôi chọn ngành vật lý để học".
Sự quyết định này đã giúp GS. Đàm Thanh Sơn gặt hái được thành công vang dội. Ở tuổi 25, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Nghiên cứu hạt nhân Moskva.
Tạo ra những đột phá lớn cho nhân loại
Năm 1995, GS. Đàm Thanh Sơn sang Mỹ. Ông lần lượt nghiên cứu rồi giảng dạy tại Đại Học Washington, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Columbia, Đại học Chicago… Lĩnh vực mà ông nghiên cứu là Vật lý lý thuyết, chủ yếu là Vật lý hạt cơ bản, Vật lý hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết đấy.
GS. Đàm Thanh Sơn có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực
"University Professor" (Giáo sư Đại học) là đại diện cho khát khao học thuật cao nhất của Đại học Chicago. Họ được chọn từ các tổ chức bên ngoài nhờ tài năng xuất sắc được quốc tế công nhận và nhờ tầm ảnh hưởng rộng lớn của mình.
GS. Đàm Thanh Sơn là người thứ 19 được nhận chức danh giáo sư đại học và là giảng viên thứ 7 nhận được danh hiệu này.
Ngoài việc bổ nhiệm ông Sơn, ĐH Chicago cũng khai trương Trung tâm Điều tra Vật lý. Trung tâm này được thành lập để trở thành tâm điểm của các hoạt động Vật lý lý thuyết, nhằm hỗ trợ đáng kể cho các nghiên cứu sinh, sinh viên và các khách tham quan.
Hiệu trưởng Thomas F. Rosenbaum cho biết trung tâm này sẽ có vai trò kéo các giảng viên lại gần nhau dưới một tổ chức bảo trợ chung, xây dựng truyền thống phong phú về khoa học liên ngành được đại diện bởi các Viện James Franck và Enrico Fermi.
Ông Sơn cho biết hình thức hợp tác này là một trong những lý do mình chọn ĐH Chicago.
"Hành trình nổi tiếng của Chandrasekhar từ Ấn Độ sang châu Âu đã truyền cảm hứng cho tôi khi tôi còn là một đứa trẻ ở Việt Nam, và những bài giảng của Fermi đã ảnh hưởng sâu sắc tới tôi khi còn đang là sinh viên ở Moscow. Tôi đã có 10 năm làm việc vô cùng thú vị tại Viện Lý thuyết hạt nhân của ĐH Washington. Và bây giờ, tôi đã sẵn sàng cho những thách thức mới" - GS Sơn nói.
"Ông Sơn là một trong số ít nhà Vật lý lý thuyết hàng đầu ở thế hệ của ông và là một trong số ít những tinh hoa của loài người" - ông Emil Martinec, giáo sư Vật lý kiêm giám đốc Viện Enrico Fermi nhận định.
Trước đó, vào năm 2010, GS Ngô Bảo Châu cũng đã chuyển tới ĐH Chicago làm việc.
Dù rất thành đạt ở nước ngoài, nhưng GS. Đàm Thanh Sơn luôn gắn bó với quê hương
Tính đến nay, GS. Đàm Thanh Sơn đã có hơn 100 công trình nghiên cứu được công bố cho trong đó có những công trình được đánh giá là "tạo ra những bước đột phá trong các lĩnh vực nghiên cứu".
Nổi bật nhất là công trình mới về mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều (10-dimensional space) do ông và các đồng nghiệp là P. K. Kovtun, và A. O. Starinets (nhóm KSS) đăng trên tạp chí vật lý đỉnh cao thế giới Physical Review Letters. Khám phá này gây tiếng vang ngay lập tức trong giới bác học chuyên sâu.
Tháng 11/2005, trên tạp chí Scientific American, Juan Maldacena, nhà vật lý Mỹ rất nổi tiếng, cho in một bài tổng quan, trong đó, sau khi nhắc tới khám phá của nhà bác học Anh lừng danh Stephen W. Hawking về lỗ đen, liền nhắc đến phát minh của Đàm Thanh Sơn, nhà bác học người Việt Nam làm việc tại Mỹ, về thể lỏng của "Vũ Trụ sơ sinh".
Dù rất thành đạt ở nước ngoài, nhưng GS. Đàm Thanh Sơn luôn gắn bó với quê hương. Ông nhiều lần về nước tham dự hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam" cùng với nhiều nhà vật lý nổi tiếng thế giới; tham gia ban giám khảo, ban tổ chức các cuộc thi Toán, vật lý quốc tế tại Việt Nam.
Dù ở bất cứ đâu, ông cũng đều cố gắng dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ cho ngành vật lý Việt Nam, tạo điều kiện đưa nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập ở Mỹ cũng như các nước có nền khoa học tiên tiến khác.
Tổng hợp