William James Sides (sinh năm 1898, tại Hoa Kỳ) là con trai duy nhất của ông Boris Sides và bà Sarah Mandelbaum Sidis. Theo đuổi, bố William là Tiến sĩ Y Khoa người Do Thái Gốc Ukraina, còn mẹ là cử nhân của trường Y khoa thuộc Đại học Boston.
Có bố mẹ đều là những tri thức ưu tú nên William James Sides được thừa hưởng trí tuệ thông minh và lớn lên trong điều kiện giáo dục đặc biệt. Cậu sớm bộc lộ khả năng ngôn ngữ của mình khi chưa đầy 1 tuổi. William có thể nói được từ ‘‘nhôm’’ (aluminium trong tiếng Anh) một cách lưu loát. 18 tháng tuổi, cậu bé này đã biết đọc chữ, xem tạp chí và sách báo. Một trong những tạp chí yêu thích của Willian hồi bấy giờ là The New York Times.
Thấy William thông minh vượt bậc và có khả năng tiếp nhận kiến thức nhanh hơn bạn bè đồng trang lức, ông Boris và vợ đã xin nghỉ học cho con. Lúc này, ông Boris đã bắt đầu nghiên cứu những lý thuyết giáo dục mầm non mới, sau đó áp dụng vào quá trình nuôi dạy con trai. Cũng nhờ sự giúp đỡ và theo dõi sát sao từ cha mà trí thông minh và khả năng ngôn ngữ của William càng vượt trội.
Khi mới lên 2 tuổi, William bắt đầu học tiếng Latin và tiếng Hy Lạp. Năm 4 tuổi, cậu đã có thể sử dụng thành thạo 2 loại ngôn ngữ ‘‘khó nhằn’’ này để tra cứu thông tin. Đến năm 6 tuổi, William được bố cho tiếp xúc với các bộ môn chuyên ngành liên quan đến ngôn ngữ học và giải phẫu học. Cậu cũng có niềm yêu thích đặc biệt tới logic học.
Một trong những thành tựu đầu tiên và ấn tượng nhất của William Sides chính là đỗ vào trường Y thuộc Đại học Harvard khi mới 7 tuổi. Tuy nhiên, vì quá nhỏ tuổi nên William bị từ chối nhập học.
Không dừng lại ở đó, con trai Tiến sĩ Boris Sides vẫn tiếp tục rèn luyện để nâng cao kiến thức của bản thân. William có thể nói được 8 ngôn ngữ khác nhau, bao gồm: Tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Do Thái, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và một ngôn ngữ mới do chính cậu tạo ra.
Đến năm 11 tuổi, William Sides đã chính thức được nhận vào Đại học Harvard. Trong quá trình học tập, cậu được rất nhiều người yêu quý và ngưỡng mộ. Các giáo sư của Harvard vô cùng bất ngờ trước trí tuệ nổi bật của William. Cậu còn dễ dàng vượt qua kỳ thi gắt gao của trường MIT.
Bước sang độ tuổi 17, William đã hoàn thành chương trình đại học tại Harvard với tấm bằng xuất sắc. Sau đó, cậu được trường mời giảng dạy môn hình học Euclide, hình học phi Euclide và lượng giác. Suốt hơn 4 năm làm giảng viên, William luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cậu cũng thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và đóng góp nhiều thành tựu cho trường.
Ở tuổi trưởng thành, William được cho là có chỉ số IQ vượt trội, trong khoảng 250 đến 300. Ngoài ra, cậu cũng có thể sử dụng 25 ngôn ngữ khác nhau. Những tưởng William sẽ có cuộc sống thành công và hạnh phúc. Thế nhưng, vào năm 21 tuổi, sóng gió đã ập đến và thay đổi toàn bộ hành trình của cậu.
Đến khi trưởng thành, William vẫn chịu sự giám sát và kìm kẹp gắt gao của người bố. Toàn bộ quá trình học tập của cậu đều do ông quyết định. Chính điều này đã khiến Willian mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Lâu dần, chứng bệnh khiến tâm lý của cậu suy sụp, dần bộc lộ hành vi chống đối.
Không muốn học Tiến sĩ theo mong muốn của bố, William quyết định chuyển hướng sang học luật tại Trường Luật Harvard. Khi chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp ngành luật, William lại bị bắt giam vì tham gia biểu tình. Để ‘‘trấn áp’’ William, bố mẹ đã quyết định gửi con trai vào viện tâm thần. Họ hy vọng cậu sẽ tỉnh ngộ và thay đổi quan điểm sống của bản thân.
Đến năm 23 tuổi, William chính thức thoát khỏi sự kìm kẹp và sự can thiệp một cách thái quá của người bố. Tuy nhiên, biến cố ở tuổi 21 đã khiến cậu bé ‘‘thần đồng’’ năm nào mất đi mục đích sống. William không tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Cậu sống cuộc đời bình thường, làm công việc chân tay để mưu sinh qua ngày. Đến năm 46 tuổi, cậu qua đời vì xuất huyết não.
William James Sides là một trong những tài năng trẻ phải chịu số phận đau thương dù có tư chất hơn người. Không ít ý kiến cho rằng, kết cục đau thương của cậu bé ‘‘thần đồng’’ này đến từ cách dạy con bảo thủ của người bố. Việc cha mẹ kìm kẹp và kiểm soát quá mức sẽ khiến con cái cảm thấy ngột ngạt, áp bức, lâu ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của con.