Theo tuyên bố của SoftBank, tập đoàn của Nhật Bản dự tính sẽ đạt được mức lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất là 1.200 tỷ yên (11,1 tỷ USD) trong quý II nhờ bán cổ phần ở Alibaba và các khoản lãi khác từ phái sinh tài chính. Con số này tương đương với khoảng 70% lợi nhuận trước thuế của Softbank trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua.
Trong số 1.200 tỷ yên nói trên, 460 tỷ yên đến từ Alibaba. Năm 2016, SoftBank cũng đã thu được 10 tỷ USD sau khi bán một phần số cổ phần Alibaba mà hãng đang sở hữu, trong đó có 3,4 tỷ USD từ trực tiếp bán cổ phần Alibaba, phần còn lại đến từ các hợp đồng phái sinh.
Năm tài khóa 2018, SoftBank cũng kiếm được 842,3 tỷ yên từ Alibaba.
Sở dĩ SoftBank thu được nhiều tiền như vậy là nhờ những khoản lãi khổng lồ từ số cổ phần Alibaba. Trong số hơn 48.000 tỷ yên giá trị vốn hóa của Alibaba, SoftBank được cho là sở hữu tới 14.000 tỷ yên. Năm 2000, khi Alibaba vẫn còn là 1 startup non trẻ, Masayoshi Son đã đầu tư 2 tỷ yên vào đây, đặt cược vào tham vọng của Jack Ma.
Trong đại hội cổ đông hồi tháng 6, Son đã tuyên bố ông muốn trở thành người đi đầu trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Ông cũng đã bổ sung thêm rất nhiều công ty AI vào danh mục đầu tư của SoftBank và số tiền lời từ khoản đầu tư vào Alibaba sẽ góp phần không nhỏ tạo ra tiềm lực tài chính cho phép Son theo đuổi tham vọng của mình.
Vẫn còn quá sớm để SoftBank thu hồi lại khoản tiền khổng lồ đã chi ra cho các thương vụ đầu tư mạo hiểm, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có nhiều dấu hiệu cho thấy quỹ đầu tư 100 tỷ USD SoftBank Vision Fund có thể sớm bắt đầu mang tiền về trong tương lai không quá xa. Slack Technologies (công ty cung cấp công cụ chat tại nơi làm việc) và Uber Technologies đã niêm yết cổ phiếu trên sàn New York, trong khi WeWork (công ty đứng sau ứng dụng chia sẻ địa điểm làm việc WeWork) và công ty giao đồ ăn DoorDash có kế hoạch IPO trong tương lai gần.
Trái ngược với tình hình tươi sáng ở Alibaba, công ty con của Sprint (vốn là nhà mạng Mỹ đang hấp hối trước khi bị SoftBank thâu tóm) tiếp tục gặp khó khăn trong nỗ lực sáp nhập với đối thủ T-Mobile do bị giới chức Mỹ ngăn cản. Thương vụ đầu tư vào Arm – hãng chip của Anh mà SoftBank mua lại năm 2016 với giá 3.300 tỷ yên – cũng chưa thể đem về quả ngọt.
Rõ ràng là tình hình tài chính của SoftBank hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào Alibaba, và vận mệnh của SoftBank sẽ phụ thuộc vào việc hãng có thể tìm thấy một "thần đèn" khác hay không trước khi "thần đèn" Alibaba ngừng ban phát điều ước.