Theo các chuyên gia Trung Quốc, uranium tự nhiên là cơ sở vật chất cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện hạt nhân, là nguồn tài nguyên chiến lược và khoáng sản năng lượng quan trọng để bảo đảm an ninh quốc gia. An ninh chuỗi cung ứng uranium tự nhiên có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp điện hạt nhân và hiện thực hóa mục tiêu "carbon kép" của Trung Quốc.
Người phụ trách Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc cho rằng, nước này cần tăng cường nhận thức về rủi ro và hiểu biết đầy đủ về sự cần thiết và cấp bách của việc nâng cao năng lực an ninh đảm bảo tài nguyên urani trong nước, phát triển năng lực sản xuất mới có chất lượng trong ngành công nghiệp uranium tự nhiên.
Theo Global Times, suốt 7 thập kỷ qua, Trung Quốc đã không ngừng xây dựng các lò phản ứng với kỳ vọng vượt Mỹ trở thành nước sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Kể từ năm 2022, Trung Quốc đã phê duyệt 10 tổ máy điện hạt nhân mới, đưa ba cơ sở vào vận hành thương mại và bắt đầu xây 6 tổ máy mới. Theo đó, tính đến nay, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng mới 21 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất hơn 21 gigawatt điện. Quy mô đầu tư mới như vậy lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Mặc dù vậy, hiện nay, Trung Quốc có 55 tổ máy điện hạt nhân thương mại đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 57,03 triệu kilowatt, đứng thứ 3 trên thế giới, vẫn xếp sau Mỹ và Pháp, theo báo cáo do Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc công bố hôm 15/4. Theo đó, Mỹ là nước có công suất lớn nhất thế giới đạt khoảng 97 triệu kilowatt (cao hơn Trung Quốc 1,6 lần) với 93 lò phản ứng (54 nhà máy điện hạt nhân) đang hoạt động.
Năng lượng hạt nhân được xem như giải pháp thay thế cho than đá, Trung Quốc kỳ vọng trở thành cường quốc đứng đầu thế giới về năng lượng hạt nhân vào năm 2030 và đạt mục tiêu sản xuất 200 gigawatt điện vào năm 2035, nhờ 150 lò phản ứng bổ sung.
Mới đây, một dự án sản xuất uranium tự nhiên đã được khởi công xây dựng ở Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc hôm 12/7. Đây là dự án uranium tự nhiên lớn nhất của nước này cho đến nay.
Dự án do Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) thực hiện, có vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ nhân dân tệ (gần 207 triệu USD). Đặc biệt, đây là dự án trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hạt nhân thuộc "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" (2021-2025) của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc.
CNNC cho biết, công trình này sẽ có công suất lớn nhất và trình độ xây dựng cao nhất so với bất kỳ cơ sở sản xuất uranium tự nhiên nào của nước này.
Đáng chú ý, công trình này sẽ được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Cụ thể, dự án sẽ tích hợp các công nghệ như tự động hóa, điều khiển từ xa cũng như phân tích dữ liệu lớn để thực hiện phân tích vận hành thông minh và khai thác chính xác.
Cùng với đó, dự án sẽ áp dụng các quy trình khai thác tiên tiến, sử dụng biện pháp lọc carbon dioxide và oxy. Không giống như các phương pháp khai thác ngầm truyền thống, kỹ thuật này có thể chiết xuất uranium thông qua vòng tuần hoàn khép kín của dung dịch này mà không cần đem quặng lên bề mặt để xử lý.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ nâng cao khả năng cung cấp uranium tự nhiên của Trung Quốc và cải thiện khả năng đổi mới độc lập cũng như khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành này.