Tham vọng trên đất Việt của các đại gia Thái

Khánh An |

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Thái Lan là tay chơi tích cực nhất trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập tại Việt Nam với nhiều thương vụ khủng có giá trị lên tới hàng tỷ USD.

Tham vọng trên đất Việt của các đại gia Thái - Ảnh 1.

Tập đoàn SCG của Thái Lan vừa mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Ảnh Internet.

Mới đây, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã công bố về việc mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần.

Thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (334 triệu USD) của SCG, nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa. Trong thông báo, Giám đốc điều hành SCGP Wichan Jitpukdee cho biết, công ty này đã và đang không ngừng gia tăng đầu tư vào Việt Nam và điều này mang lại mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% mỗi năm.

Là một tập đoàn lớn tại Thái Lan với lịch sử lâu đời, SCG đã nhanh chân mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một thị trường chiến lược từ năm 1992. Sau 29 năm, tập đoàn này đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, thương vụ lớn nhất phải kể đến là vụ thâu tóm Prime Group.

Theo đó, cuối tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng). Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới - với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.

Bên cạnh đó, thông qua một công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, SCG đã lần lượt tiến hành mua 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).

Vào năm 2015, SCG tiếp tục mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD).

Lưu ý rằng, trước thương vụ với Nhựa Duy Tân, trong năm 2020, TCG Solutions Pte. Ltd (Singapore), công ty con của Tập SCG cũng đã chính thức nhận chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phiếu SVI, tương đương 94,11% vốn của Bao bì Biên Hòa (SOVI) để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam.

Tham vọng trên đất Việt của các đại gia Thái - Ảnh 2.

ThiPha Cable là nhà sản xuất dây cáp điện hàng đầu Việt Nam

Stark Corporation thâu tóm Cáp điện Thịnh Phát với giá 240 triệu USD

Vào đầu tháng 4/2020, Stark Corporation phát đi thông báo cho biết đã mua thành công 100% cổ phần của CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina).

Với mức giá khoảng 66.667 đồng cho mỗi cổ phần của Thipha Cables và Dovina, tập đoàn đến từ Thái Lan đã chi trả 240 triệu USD (khoảng 5.600 tỷ đồng) cho thương vụ này.

Được biết, Thipha Cables có xuất phát điểm là một cơ sở nhỏ do vị doanh nhân Võ Tấn Thịnh (SN 1962) thành lập năm 1987 tại TP.HCM. Sau gần 3 thập niên phát triển, Thipha Cables đã trở thành nhà sản xuất dây và cáp điện lớn thứ hai ở Việt Nam. Doanh nghiệp còn xuất khẩu sản phẩm ra một số nước ở Đông Nam Á.

Bởi vậy, thông qua thương vụ này Stark Corporation kỳ vọng sẽ gia tăng quy mô thị trường để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực. Và riêng tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng cáp điện cho các công trình lưới điện cũng như các công trình xây dựng vẫn rất lớn.

Tham vọng trên đất Việt của các đại gia Thái - Ảnh 3.

Việc bỏ ra hơn 2.073 tỷ đồng để thâu tóm 34% cổ phần tại nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ là một trong số những thương vụ của WHA tại Việt Nam. Ảnh Internet.

Đại gia Thái chi 2.073 tỷ mua cổ phần nhà máy nước sạch sông Đuống

Cuối tháng 10/2019, WHA Utilities & Power (WHAUP), thành viên của Tập đoàn WHA (Thái Lan), đã bất ngờ công bố thông tin về việc hoàn tất thâu tóm 34% cổ phần tại CTCP Nước mặt Sông Đuống (NMN Sông Đuống) - chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống có công suất 300.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1) cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân Hà Nội. Số tiền mà WHAUP đã chi ra cho thương vụ này là khoảng 2.073,19 tỷ đồng.

Dù có phần kín tiếng hơn, song đầu năm 2019, WHAUP còn đầu tư vào Công ty Cổ phần Cấp nước Cửa Lò (CL Wasco). CL Wasco là công ty đã có hơn 20 năm khai thác và quản lý hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và sử dụng sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) và một số vùng lân cận. Bên cạnh đó, CL Wasco còn là chủ đầu tư dự án Cải tạo, mở rộng nhà máy nước Cửa Lò với nguồn vốn được tài trợ một phần từ khoản vay ODA từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Tham vọng trên đất Việt của các đại gia Thái - Ảnh 4.

TCC Group mạnh tay đầu tư vào Việt Nam

Trong số các đại gia tới từ Thái Lan, người rót nhiều tiền nhất vào thị trường Việt Nam phải kể đến tỷ phú Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi. Thông qua TCC Holdings, tỷ phú này đang sở hữu nhiều khoản đầu tư lớn nhỏ ở Việt Nam, với giá trị hàng tỷ USD từ bán lẻ, đồ uống cho tới bất động sản.

Cụ thể, hồi năm 2015, Berli Jucker - đơn vị thành viên của TCC Holdings đã đứng ra mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD. Hiện tập đoàn này đã đổi tên hệ thống bán lẻ trên thành Mega Market Việt Nam.

Cũng chính Berli Jucker đã thâu tóm 65% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Thái An Việt Nam, công ty mẹ sở hữu hơn 99% Phú Thái Group - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ khu vực phía Bắc với hàng chục công ty thành viên.

Thông qua các công ty thành viên của TCC Holdings, tỷ phú Thái Lan cũng sở hữu 65% cổ phần tại Khách sạn Melia Hà Nội, 75% lợi ích tại Cao ốc văn phòng Melinh Point Tower TP.HCM; 70% cổ phần của CTCP phát triển nhà G Homes – công ty thành viên của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Anh Dương Thảo Điền (HAR)…

Vị tỷ phú này còn đứng sau Công ty TNHH Vietnam Beverage chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua 53,59% cổ phần Sabeco và trở thành công ty mẹ của nhà sản xuất và tiêu thụ 41% thị phần bia Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments (2 đơn vị thuộc Tập đoàn F&N của Singapore, công ty con của TTC Holdings), tỷ phú người Thái còn liên tục nâng sở hữu tại Vinamilk - doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, F&N nắm giữ hơn 416 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng tỷ lệ 19,94% VĐL Vinamilk.

Tham vọng trên đất Việt của các đại gia Thái - Ảnh 5.

Chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ảnh Internet.

Central Group và tham vọng thị trường bán lẻ tại Việt Nam

Central Group là tập đoàn đa ngành của Thái Lan nhưng tập trung chủ yếu ở mảng bán lẻ và bất động sản. Tập đoàn này đã mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế từ trước năm 2010, trong đó Việt Nam là thị trường bán lẻ lớn thứ 2 chỉ sau Thái Lan.

Tập đoàn này hiện là chủ sở hữu của chuỗi siêu thị Big C Việt Nam với 35 siêu thị dạng “mega” trên cả nước. Chuỗi siêu thị này được mua lại từ Tập đoàn Casino của Pháp vào tháng 4/2016 với giá hơn 1 tỷ USD.

Ngoài ra, chuỗi Lan Chi Mart với 25 siêu thị lớn, nhỏ tập trung chủ yếu tại các vùng nông thôn phía Bắc cũng thuộc sở hữu của Central Group.

Trước đó, thông qua công ty con Power Buy, đại gia Thái Lan này đã chi hơn 200 triệu USD mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim vào năm 2015. Đến tháng 6/2019, Central Group thông qua công ty thành viên đã mua toàn bộ 51% cổ phần còn lại tại NKT, qua đó sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim và một số công ty con khác.

Tập đoàn này cùng với Nguyễn Kim cũng mua lại Zalora Việt Nam (thuộc Global Fashion Group của Tập đoàn Rocket Internet) và sau đó đổi tên thành Robins.vn.

Tham vọng trên đất Việt của các đại gia Thái - Ảnh 6.

Nguồn ảnh Internet.

C.P Group xâm chiếm thị trường nông nghiệp Việt Nam

Không ồn ào với các thương vụ M&A đình đám như trên, thông qua C.P Group, tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont đã xây dựng riêng cho mình một "đế chế" chăn nuôi, nông nghiệp tại thị trường Việt ngay từ rất sớm.

Gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi đất nước bắt đầu mở cửa, đến năm 1993, công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2009, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và sau đó vào năm 2011 đổi tên thành C.P. Vietnam Corporation (Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam).

Với lợi thế từ việc tiên phong gia nhập thị trường, cộng với chu trình sản xuất khép kín và sự hậu thuẫn từ tập đoàn mẹ, C.P Việt Nam hiện đã trở thành một trong những ông lớn có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thức ăn chăn nuôi cũng như thị trường thịt lợn, thịt gà.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện, giai đoạn 2017-2019, cả doanh thu lẫn lợi nhuận thuần của C.P Việt Nam liên tục tăng trưởng. Riêng năm 2019, doanh thu thuần của C.P Việt Nam (công ty mẹ) đạt 64.673 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước, lợi nhuận thuần tương ứng ở mức 6.333 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty này đạt 32.750 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2018.

Đến năm 2020, C.P Việt Nam đã xếp vị trí thứ 18 trong Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại