Các nhà phân tích còn kêu gọi Mỹ có những biện pháp bảo vệ lợi ích quốc gia và an ninh vũ trụ. Tờ Global Times nhận định trong thời gian dài, phương Tây coi việc phát triển vũ trụ của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định quốc gia này mang mục đích hòa bình trong khám phá vũ trụ nhưng Washington lại coi Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm tàng. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng cáo buộc Trung Quốc và Nga phát triển công nghệ, vũ khí nhắm tới các vệ tinh của Mỹ.
Sự kiện tàu vũ trụ Chang’e 4 của Trung Quốc đổ bộ xuống Mặt Trăng cho thấy bước tiến lớn của nước này trong công nghiệp vũ trụ. Đến ngày 24/11, Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc phóng tiếp tàu Chang’e 5.
Những thất bại gần đây của Israel và Ấn Độ cho thấy việc hạ cánh lên Mặt Trăng không phải là điều dễ dàng.
Nhưng Mỹ cũng không tụt lùi lại phía sau Trung Quốc khi nước này có riêng Chương trình Artemis mang tham vọng đến 2024 đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng một lần nữa. Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng có kế hoạch dành riêng cho Mặt Trăng hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2020 đưa thiết bị lên hành tinh này để thực hiện các thí nghiệm khoa học mới.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng kế hoạch Mặt Trăng của Trung Quốc mang nhiều tham vọng hơn châu Âu. Một nhóm mới gồm 18 học viên phi hành gia Trung Quốc đã bắt đầu tham gia chương trình đào tạo với mục tiêu dài hạn là đủ nhân lực cho trạm vũ trụ mới của nước này và xa hơn là đến được với Sao Hỏa.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) phân tích rằng nếu sứ mệnh của Chang’e 5 thành công thì đây sẽ là lần đầu tiên đá và mảnh vỡ từ Mặt Trăng được đem trở về Trái Đất từ sứ mệnh năm 1976 của Liên Xô.
Năm 2002, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC (Anh), nhà thiết kế trưởng của Chương trình Khám phá Mặt Trăng Trung Quốc (CLEP)-ông Ouyang Ziyuan nói:
“Một trong những mục tiêu của chúng tôi là mang mẫu phẩm từ Mặt Trăng về Trung Quốc để phân tích. Chúng tôi quan tâm đến khoáng chất trên Mặt Trăng và đã chuẩn bị tàu vũ trụ không người lái cho sứ mệnh này”. Mục tiêu của sứ mệnh là thu về 2kg mẫu phẩm Mặt Trăng và đưa về Trung Quốc phân tích khoa học.
Vào Ngày Vũ trụ Trung Quốc (24/4) năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã viết bức thư gửi đến các nhà khoa học vũ trụ cấp cao, khuyến khích họ “tăng cường và mở rộng khám phá vũ trụ đồng thời nhanh chóng biến Trung Quốc thành cường quốc vũ trụ”.
Chủ tịch Tập Cận Bình còn chỉ đạo thành lập lực lượng hỗ trợ chiến lược (PLASSF) đóng vai trò nhóm quân sự tách biệt dành riêng về vũ trụ.
Đối với Trung Quốc, Mặt Trăng có giá trị nội tại và nước này dự định dành 20 năm tới xây dựng cơ sở chiến lược để hình thành hiện diện và năng lực giữa Trái Đất cùng Mặt Trăng.
Lãnh đạo tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ - ông Bao Weimin vào năm 2019 đã đề cập đến khía cạnh kinh tế của Mặt Trăng. Ông Bao Weimin nói rằng đến năm 2050 có thể thành lập khu kinh tế vũ trụ Trái Đất-Mặt Trăng trị giá 10 nghìn tỷ USD.
Tuy Trung Quốc gia nhập cuộc đua vũ trụ khá muộn nhưng trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này. Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới thám hiểm Mặt Trăng thành công, sau Mỹ và Nga.