Tổ chức Văn phòng Cố vấn Quốc gia (National Advisor Bureau Limited / NABL), có trụ sở ở UAE, đang lên kế hoạch thu thập những tảng băng ở Nam Ấn Độ Dương và kéo chúng 9.200 km về vùng Vịnh.
Khi về đến bán đảo Ả Rập, họ sẽ làm tan chảy băng để lấy nước ngọt hoặc dùng để thu hút khách du lịch.
Để hoàn thành khai thác băng trôi, tổ chức này sẽ đưa tàu đến đảo Heard – một khu dự trữ thiên nhiên của Australia – để tìm kiếm những mảnh băng vỡ cỡ bằng xe tải giữa những tảng băng trôi to bằng cả thành phố.
Sau đó, những tảng băng nhỏ sẽ được gắn vào tàu bằng lưới và được kéo qua hàng ngàn cây số để đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Abdullah al-Shehi – giám đốc điều hành của NABL – tin rằng các tảng băng trôi sẽ không tan chảy đáng kể trong suốt cuộc hành trình, vì phần lớn khối băng nằm dưới mặt nước.
Al-Shehi cũng cho biết một tảng băng trôi khổng lồ có thể chứ đến 20 tỷ gallon nước ngọt sẵn sàng để thu hoạch mà không cần đến hệ thống khử muối đắt tiền. Hiện tại, hệ thống này đang cung cấp gần như toàn bộ nước ngọt ở vùng Vịnh.
Đây không phải lần đầu có công ty muốn thu nước ngọt từ băng. Ví dụ, một nhà máy ở Na Uy đã bán một chai 750 ml băng Bắc Cực tan chảy với giá 100 đô la.
Tuy nhiên, băng có nguồn gốc từ Nam Cực khô nhất thế giới, vậy nên sản lượng nước từ băng sẽ ít hơn nhiều. Nếu các giấy phép được thông qua, hoạt động khai thác băng Nam Cực sẽ bắt đầu vào năm 2019.
Al-Shehi cho biết đây là ý tưởng tư nhân và từ chối cho biết chi phí của kế hoạch. Tuy nhiên, theo Robert Brears – người sáng lập Mitidaption – ước tính rằng dự án đòi hỏi chi phí ban đầu ít nhất là 500 triệu đô la.
Ngoài ra, NABL sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản khác. Trước hết, tại đảo Heard, Australia nghiêm cấm tàu lớn ra vào để bảo vệ sự đa dạng sinh thái của các loài chim di cư, chim cánh cụt, hải cẩu và cá.
Thêm nữa, Nam Cực là đối tượng của các hiệp ước toàn cầu, với những quy định nghiêm ngặt về môi trường, cấm khai thác và hoạt động quân sự.
Ngay cả khi, tổ chức này nhận được sự chấp thuận cần thiết từ các quốc gia, vẫn còn những khó khăn khác. Khu vực khai thác có hàng ngàn tảng băng trôi và khó để dự đoán đường di chuyển của chúng. Bão biển ở đây cũng rất khốc liệt.
Tính khả thi của dự án khai thác băng Nam Cực còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, các nhà môi trường chỉ ra những biện pháp đơn giản hơn để giải quyết biến đổi khí hậu ở Trung Đông như tưới nhỏ giọt hay bảo tồn nguồn nước.