Một gian hàng cung cấp tử hà sa tại một chợ dược liệu ở Trung Quốc. Ảnh: The Paper
Tử hà sa hay còn là nhau thai người sấy khô, đang là loại "dược liệu" được cả người mua lẫn kẻ bán ở Trung Quốc săn lùng. Dù lợi ích của Tử Hà Sa không rõ ràng nhưng chắc chắn lợi nhuận rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ năm 2005, bộ Y tế Trung Quốc đã thông qua quyết định "Không tổ chức hoặc cá nhân nào được phép mua bán nhau thai người".
Tháng 9/2013, bộ này tiếp tục ban hành văn bản "Mười hạng mục tăng cường quản lý an toàn sản khoa". Văn bản nhắc lại điều khoản "Nghiêm cấm các tổ chức y tế và nhân viên bán hoặc vứt bỏ bất hợp pháp nhau thai và những thứ liên quan".
Tuy nhiên, một cuộc điều tra do The Paper thực hiện hồi cuối tháng 2/2021 cho thấy, vì lợi nhuận quá cao mà những "thương nhân ác tâm" từ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Quảng Đông và những nơi khác, đã nhập nhau thai người với giá 80 NDT/cái (khoảng 284.000 VND) từ bệnh viện, nhà máy xử lý chất thải y tế, thậm chí là từ nhà tang lễ. Sau đó sấy khô và chế biến thành một loại "dược liệu" gọi là Tử hà sa để bán với lợi nhuận cao.
Còn đối với những nguy cơ tiềm ẩn như virus viêm gan B, HIV, xoắn khuẩn, giang mai,... bám trong nhau thai thì những "thương nhân ác tâm" không quan tâm.
"Chúng tôi có thể đảm bảo nhau thai người là thật nhưng những gì bên trong nó thì không", một thương nhân dấu tên tiết lộ với The Paper.
Từ Hà Sa được phân thành 2 loại chủ yếu là "hàng nhẹ" và "hàng nặng". Ảnh: The Paper
Một người chế biến Tử Hà Sa cho biết, trước đây anh thường nhập nhau thai tươi từ Hồ Bắc và Hồ Nam, rồi đông lạnh vận chuyển về Giang Tổ để chế biến.
Tuy nhiên, hiện tại ở đó không còn hàng và anh phải thông qua mối trung gian để nhập hàng từ tận Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) với giá 60 tệ/chiếc (khoảng 213.000 đồng).
Người này cho biết thêm, mỗi tháng anh ta chế biến được không dưới 700kg Tử Hà Sa. Trước đây, anh chủ yếu lấy hàng từ bệnh viện nhưng hiện tại không thể và chỉ đánh thông qua các mối trung gian.
"Nguồn hàng từ mối trung gian đó được thu gom từ bệnh viện, nhà máy xử lý rác thải y tế và thậm chí là cả nhà tang lễ", người này nói.
Người này chia sẻ, quy trình chế biến nhau thai tươi thành Tử Hà Sa gồm 7 công đoạn: Làm sạch, phân loại, luộc chín, ngâm trong nước lạnh để loại bỏ máu, cắt bỏ cuống rốn, loại bỏ những mảng thịt dư thừa, sấy khô. Để hoàn tất quy trình này, nhanh nhất cũng mất 4 ngày. Mỗi một chiếc nhau thai tươi có thể mang về lợi nhuận từ 10 - 20 tệ (35.5000 - 71.000 đồng).
Các nhà chế biến cũng cho biết, hầu hết nhau thai tươi mà họ nhập về đều chưa được kiểm tra virus cũng như những tiêu chuẩn đảm bảo y tế.
Nhà chế biến cho rằng virus thực sự có thể có trong hàng tươi nhưng về cơ bản không có vấn đề gì sau khi nấu và sấy ở nhiệt độ cao.
Trước cửa chợ đặc sản Trung dược thành phố Bặc Châu, các xe xếp hàng nườm nượp để chờ vận chuyển Tử Hà Sa. Ảnh: The Paper
Tại chợ đặc sản Trung dược thành phố Bặc Châu (tỉnh An Huy, Trung Quốc), phóng viên của The Paper ghi nhận có 2 mặt hàng Tử Hà Sa được gọi là "hàng nhẹ" và "hàng nặng".
Hàng nhẹ thường 15-16 chiếc mới đủ 1kg, có giá trung bình 1.300 tệ/kg (khoảng 4,6 triệu đồng). Hàng nặng chỉ cần 7-8 chiếc đã đủ 1kg và có giá dao động từ 800 - 1.000 tệ/kg (2,8 - 3,5 triệu đồng).
Bác sĩ Lâm Tú, Phó khoa Phụ sản, bệnh viện Phụ sản khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, Tử Hà Sa trong y học Trung Quốc là một dược liệu có chứa chất béo, protein, vitamin và một số yếu tố miễn dịch. Tuy nhiên, nhau thai tươi sau khi được chế biến ở nhiệt độ cao thông thường, các thành phần đã bị biến tính và mất đi dinh dưỡng. Do đó, không có nhiều sự khác biệt giữa ăn nhau thai người với việc ăn thịt hay nội tạng động vật, cũng không có công dụng gì đặc biệt.
Bác sĩ Lâm nhấn mạnh, các phương pháp chế biến thông thường không thể tiêu diệt được những loại virus có trong nhau thai tươi, chỉ có phương pháp khử trùng bằng hơi nước áp suất cao như khử trùng dụng cụ phẫu thuật trong bệnh viện mới có thể triệt tiêu được virus.
(Theo The Paper)