Thâm nhập đường dây buôn bán hộ chiếu bị đánh cắp xuyên quốc gia

Tường Phạm |

Phóng sự điều tra về nạn buôn bán hộ chiếu bị đánh cắp xuyên quốc gia đăng tải trên tờ Daily Mail (Anh) gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia, không loại trừ khả năng hộ chiếu đã rơi vào tay tội phạm và các phần tử khủng bố.

Từ 15-20 hộ chiếu được bán mỗi tháng

Chỉ sau 72 giờ, phóng viên tờ DailyMail đã mua được một hộ chiếu Anh trị giá 2.500 Bảng từ Abu Ahmad (40 tuổi) - một “ông trùm” buôn lậu ở Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Abu Ahmad, từng là bác sĩ tim mạch, hoạt động công khai trong đường dây đưa người di cư Syria đến các quốc gia Tây Âu.

Tuy nhiên, kể từ khi bị đưa vào danh sách “chú ý” của Interpol, Ahmad đã rút vào “hoạt động bí mật”, thường xuyên thay đổi điện thoại và chỗ ở để tránh sự chú ý của các nhà chức trách.

Sau khi thương lượng qua một người trung gian, Ahmad đã đồng ý gặp phóng viên tại một khách sạn ở Istanbul. Anh ta mang đến cho phóng viên 5 cuốn hộ chiếu để lựa chọn. Trong số hộ chiếu Abu Ahmad mang đến, có hộ chiếu của người ở Oxford, hộ chiếu một phụ nữ Manchester 28 tuổi đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha…

Ahmad tự hào nói rằng, 7/10 khách hàng của mình đã di cư thành công với hộ chiếu mà anh cung cấp. Vào lúc cao điểm, “doanh nghiệp” của Ahmad có thể mang về khoản doanh thu lên đến 110 nghìn Bảng Anh/tháng.

Bình thường, mỗi tháng, Ahmad có thể bán 15-20 hộ chiếu. 

“Tôi thường chọn khoảng 15 trong số 100 hộ chiếu có hình ảnh giống khách hàng của mình nhất để khách hàng lựa chọn tiếp. Tôi có mối cung cấp hộ chiếu uy tín, tất cả đều là người châu Âu. Các băng nhóm hoạt động trên khắp châu Âu, đánh cắp hộ chiếu sau đó bán cho những đầu mối như tôi”, Ahmad nói.

Ahmad cung cấp nhiều loại hộ chiếu với mức giá khác nhau. Hộ chiếu rẻ nhất có giá 2.500 Bảng Anh. Nếu thêm khoản phụ phí 1.300 Bảng Anh, người mua sẽ được đóng dấu thêm là đã từng nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ.

Các thành viên trong đường dây hoạt động của Ahmad sẽ có trách nhiệm làm việc với các cơ quan chức năng đóng dấu vào hộ chiếu để khẳng định, khách hàng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ một cách hợp pháp.

Quá trình này mất 10 ngày. Dịch vụ trọn gói cao cấp nhất có giá 7.000 Bảng Anh. “Đó là số tiền lớn nhưng chúng tôi sắp xếp từ A-Z để khách hàng có thể di chuyển thuận lợi và an toàn nhất”, Ahmad khẳng định.

Ahmad cũng cho biết thêm, tất cả hộ chiếu anh bán là thật, nếu không, người mua sẽ không qua được cơ quan kiểm soát biên giới. Đó là hộ chiếu bị đánh cắp hoặc chính chủ sở hữu bán cho Ahmad trong khoảng thời gian nhất định. “Hầu hết hộ chiếu Anh đều bị đánh cắp. Phần lớn hộ chiếu mang tên của một người Ả-Rập hoặc Pakistan có thể đã được bán”, Ahmad nói.

Hộ chiếu bị đánh cắp được bán cho những “ông trùm” buôn lậu

Ahmad cho biết, với hộ chiếu anh cung cấp, hàng nghìn người đã vào được nước Anh. Tuy nhiên, Ahmad khẳng định, không biết ai là phần tử khủng bố hay tội phạm. 

Tuy nhiên, một người nhập cư Syria khác ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với phóng viên DailyMail rằng, ít nhất 2 người Ahmad giúp xâm nhập vào châu Âu là phần tử hoạt động khủng bố ở Damascus.

Các chuyên gia an ninh cho biết, hộ chiếu bị đánh cắp thường được đưa đến Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Thủ đô Athens, Hy Lạp để bán cho những “ông trùm” buôn lậu. 

Lực lượng chức năng Hy Lạp đã thu giữ nhiều tài liệu giả mạo, bao gồm cả chứng minh nhân dân và hộ chiếu.

“Với tội phạm và phần tử khủng bố, việc sở hữu một hộ chiếu Anh “chính hãng” giống như “trúng xổ số” vì nhờ đó, đối tượng có thể vượt qua biên giới mà không bị phát hiện. Đó là vấn đề thực sự đáng lo ngại. Khi một người sử dụng hộ chiếu của người khác, rất khó để theo dõi.

Quá trình điều tra chúng tôi phát hiện thêm rằng, thẻ căn cước giả mạo của EU có thể được sử dụng để vào Anh cũng đang được rao trên mạng là có “hàng” sau 3 ngày”, chuyên gia an ninh David Lowe nhận định.

Link bài viết gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại