Cơ sở hạ tầng xây dựng trên đảo Pulau Senang. Ảnh: Bộ Thông tin Singapore
Ý tưởng nhân đạo, khởi đầu suôn sẻ
Vào thời điểm mà các nhà tù trong đất liền Singapore đã quá tải, các nhà chức trách liền lên ý tưởng xây dựng một trại giam ở ngoài một hòn đảo tách biệt.
Năm 1950, các băng đảng bùng nổ tại Singapore, uy hiếp công chúng và ngang nhiên tổ chức các hoạt động liên quan đến cờ bạc, mại dâm và ma túy.
Để giải quyết các băng nhóm xã hội đen, chính phủ Anh đã thông qua Đạo luật Hình sự (Quy định tạm thời) vào năm 1955, cho phép chính quyền Singapore có quyền bắt giữ chúng mà không cần xét xử.
Nhà sử học Donna Brunero của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết điều này góp phần khiến các nhà tù trở nên quá tải do những đối tượng tình nghi cũng bị giam giữ nhưng chưa thể đưa ra xét xử.
C V Devan Nair, một trong những người lãnh đạo phong trào chống thực dân vào thời điểm đó, là người đề xuất thí nghiệm Pulau Senang. Từng là một tù nhân chính trị vào những năm 1950, Devan Nair bắt đầu quan tâm đến việc cải tạo nhà tù.
Janadas cho biết sau khi được trả tự do vào tháng 6/1959, Devan Nair đã thuyết phục chính phủ thành lập một ủy ban về các nhà tù. Một trong những ý tưởng cải cách nhà tù là thành lập một nhà tù không tường.
Pulau Senang, một trong những hòn đảo cực Nam của Singapore — nằm cách đất liền 13 km — là địa điểm được chọn. Hòn đảo bị bao quanh bởi vùng nước có nhiều cá mập và dòng chảy mạnh, khiến việc trốn thoát trở nên khó khăn.
Người được chọn để quản lý nhà tù mới là Daniel Stanley Dutton – một người Anh có vợ là người Malaysia. Brunero có thể nói các ngôn ngữ địa phương bao gồm tiếng Malaysia và Phúc Kiến, từng làm việc trong các nhà tù và có mối kết nối với cộng đồng.
Với vai trò là giám thị nhà tù, Dutton được toàn quyền chọn những người bị giam giữ để đưa đến hòn đảo. Tháng 5/1960, Dutton cùng 52 tù nhân đặt chân đến hòn đảo.
Daniel Dutton (giữa) đưa các quan chức đi thăm nhà tù. Ảnh: Bộ Thông tin Singapore
Trong năm đầu tiên, số lượng tù nhân bị giam giữ đã tăng lên khoảng 120 người. Những người này đã xây dựng một lượng lớn cơ sở hạ tầng trên đảo.
Làm việc chăm chỉ, Dutton đã giành được sự tôn trọng của những tù nhân này. Trong những ngày đầu, trước khi các khu trại được xây dựng, Dutton thậm chí còn ngủ chung với các tù nhân. Trên đảo không có nhiều lính canh cũng như họ không mang theo súng.
Theo các tài liệu lịch sử, cơ sở hạ tầng được xây dựng trên đảo bao gồm bệnh viện, khu vui chơi giải trí và khu văn phòng. Các tù nhân cũng được tham gia hoạt động nông nghiệp.
Tiến độ xây dựng nhanh và có kết quả đáng kinh ngạc đến nỗi đã thu hút sự chú ý của Liên hợp quốc vì cùng thời điểm, mới chỉ có các nhà tù mở tại Anh, Mỹ và châu Âu.
Trong 28 tháng, khoảng 200 tù nhân đã được trở lại xã hội sau liệu pháp cải tạo của Pulau Senang. Tỷ lệ tái phạm của họ là 5%, ở mức thấp thế giới lúc bấy giờ.
Chuỗi bi kịch bắt đầu
Sau đó, những năm tháng tươi đẹp đã dần trở nên đen tối. Trong một số bản ghi lịch sử, có những tù nhân được cho là làm việc không ngừng nghỉ. Họ thậm chí bị bắt xây dựng qua đêm để đạt được thời hạn đã đề ra.
Các tù nhân bị lao động khổ sai. Ảnh: Bộ Văn hóa Singapore
Neivelle Tan, một tay xã hội đen trở thành mục sư, từng bị giam giữ ở Pulau Senang, cho biết các tù nhân vẫn phải làm việc trong nhiều giờ đồng hồ mặc dù đường xá, căng tin, phòng trại đã được hoàn thành. Khi thủy triều xuống, Dutton đánh thức các tù nhân dậy, bắt họ đi ra nhặt đá để đưa đến một khu xây dựng khác. “Dutton cũng trở nên nóng nảy hơn. Hắn giám sát tiến độ công việc, la hét, đánh đập. Trông giống như một kẻ đang điều hành nô lệ vậy. Các bạn phải làm việc không sẽ bị phạt”, Neivelle hồi tưởng những ai không nghe lời sẽ bị đưa về nhà tù Changi với điều kiện sống tồi tệ hơn.
Một người từng lên tiếng phản đối thí nghiệm Pulau Senang là cựu Thủ hiến David Marshall. Marshall đã đến hòn đảo này vào năm 1963 và không hài lòng với những gì mình nhìn thấy. Theo Marshall, hòn đảo bị bao trùm bởi một bầu không khí sợ hãi và những người bị giam giữ trên đó sống như các nô lệ vậy.
Là một thành viên của Hội đồng Lập pháp Singapore vào thời điểm đó, Marshall đã tìm cách chỉ ra những lo ngại song có vẻ như không ai chú ý.
Không thể chịu đựng được sống trong cảnh nô lệ tù đầy, những người bị giam giữ trên đảo đã nổi dậy.
Tù nhân thuộc các băng đảng khác nhau đã tập hợp lại và bàn kế hoạch giết Dutton. Một trong những người bị giam giữ, Chong Sek Ling, là người cung cấp thông tin đã cảnh báo Dutton. Tuy nhiên, với sự tự tin thái quá của mình, Dutton đã cười nhạo kế hoạch đó.
Vụ bạo loạn nổ ra sau bữa trưa ngày 12/7/1963. Các tù nhân cầm dao rựa, cuốc và truy đuổi các mục tiêu cấp trên. Khắp nơi toàn là những tiếng la hét, vụ bạo loạn diễn ra từ phòng ăn lên đến văn phòng.
Nhận thấy nguy hiểm, Dutton chạy vào văn phòng và đóng cửa lại. Các tù nhân sau đó đã khoét một lỗ nhỏ trên mái nhà, đổ xăng và châm lửa phóng hỏa. Thấy nhà cháy lớn, Dutton buộc phải chạy ra ngoài và chết dưới rừng dao rựa. Thi thể của Dutton bị chia nhỏ và thiêu rụi. Ba cai ngục khác cũng đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn.
Vào tháng 11/1963, 59 tù nhân ra tòa với tội danh bạo loạn và giết người. Sau 64 ngày xét xử, cũng là phiên tòa dài nhất, lớn nhất mà Singapore từng chứng kiến, 18 người bị kết tội giết người và kết án treo cổ; 29 người tiếp tục ngồi tù vì tội danh bạo loạn trong khi những người còn lại được trắng án.
Sau vụ bạo loạn, Pulau Senang, cùng với các đảo lân cận khác, trở thành một cơ sở của Trường bắn quân sự Quần đảo phía Nam, kết thúc một chương bi kịch khủng khiếp và khép lại thí nghiệm nhà tù không tường của Singapore.