Tròn 6 thập kỷ kể từ khi "Bi kịch đèo tử thần Dyatlov" diễn ra trên ngọn "núi tử thi" Kholat Syakhl cao 1.895m khiến đoàn thám hiểm gồm 9 nhà khoa học Liên Xô chết dị dạng trong đêm lạnh.
CNN nhận định trong bài viết tưởng nhớ tròn 60 năm vụ việc xảy ra tại Kholat Syakhl rằng, đến nay, nguyên nhân cái chết của đoàn thám hiểm do kỹ sư Igor Dyatlov thuộc Viện Bách khoa Ural (nay là Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ural, Nga) dẫn đầu vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Cũng vì thế, "Bi kịch đèo tử thần Dyatlov" năm 1959 ở Liên Xô trở thành một trong những bí ẩn không lời giải lớn nhất thế kỷ 20.
Không bí ẩn sao được khi đến cả giới khoa học, hay những nhà thám hiểm kỳ cựu và chuyên gia tâm lý cũng không thể nào giải thích được tại sao sau 1 tháng trời ráo riết tìm kiếm, thứ hiện ra trước mắt người ta là hiện trường khủng khiếp:
9 nhà thám hiểm nằm chết ở các vị trí khác nhau, cách rất xa lều ngủ của họ trong tình trạng gần như lõa thể giữa đêm lạnh; gương mặt lạnh lẽo vẫn hằn nguyên nỗi sợ hãi tột độ; khám nghiệm tử thi phát hiện những vết thương chí mạng, dị dạng; và còn dấu hiệu nhiễm độc phóng xạ đầy bí ẩn ngấm sâu trong máu...
Người ta bàn tán và nói rất nhiều về cái chết thương tâm, kỳ lạ của đoàn thám hiểm của Igor Dyatlov. Hàng chục giả thuyết được đưa ra trong nhiều năm, họ bảo rằng đoàn thám hiểm chứng kiến sự việc vô cùng đáng sợ nào đó rồi khiến tinh thần hoảng loạn tột độ; rồi cũng có khi họ gặp người ngoài hành tinh; dấu tích ngộ độc phóng xạ trên các thi thể lại khiến người ta nghĩ đến KGB1... (đọc thêm tại đây).
Tuy nhiên, "Bi kịch đèo tử thần Dyatlov" không phải là bí ẩn duy nhất diễn ra trên vùng núi tuyết lạnh ở Liên Xô và vùng Trung Á thế kỷ trước. Dường như, vùng núi cao đầy tuyết lạnh ẩn giấu những bí mật khiến người nghe không khỏi rùng mình.
Ảnh minh họa.
Địa điểm xảy ra bi kịch: Đỉnh Lenin2 (tên khác: Ibn Sina), thuộc dãy núi Pamir, trên vùng biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan, Trung Á.
Độ cao đỉnh núi: 7.134m.
Thời điểm xảy ra bi kịch: Tháng 8/1974.
Elvira Shatayeva là một nữ vận động viên leo núi chuyên nghiệp, một trong những tay leo núi nhà nghề nổi tiếng nhất trong lịch sử Liên Xô.
Với tham vọng chinh phục đỉnh núi Lenin cao 7.134m - đỉnh núi cao thứ hai trong dãy núi Pamir; đồng thời mong muốn xác lập kỷ lục lần đầu tiên trong lịch sử Liên Xô chinh phục đỉnh Lenin bởi các nhà leo núi nữ, Elvira Shatayeva thành lập một đội nhà leo núi chuyên nghiệp toàn nữ lên đường khuất phục đỉnh núi Lenin - một kỳ tích chưa một ai/đoàn thám hiểm nào thiết lập.
Sáng sớm ngày 5/8/1974, toàn bộ đội thám hiểm gồm 8 nhà leo núi nữ do Elvira Shatayeva dẫn đầu bắt đầu hành trình thám hiểm chinh phục đỉnh Lenin - đỉnh núi mang tên của vị lãnh tụ đầu tiên của Liên Xô, Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924).
Lenin Peak nổi tiếng là ngọn núi được nhiều nhà leo núi chinh phục bởi đường lên đỉnh khá dễ trèo và hành trình không quá phức tạp. Đó là lý do, đoàn leo núi của Elvira Shatayeva nhanh chóng đến trại căn cứ (Base Camp) - điểm đầu tiên cần phải vượt qua khi chinh phục một đỉnh núi cao - ngày trong sáng ngày 5/8.
Là một nhà leo núi nhà nghề, Elvira Shatayeva luôn giữ cái đầu lạnh bởi cô biết rằng hành trình phía trước không hề dễ dàng. Quả thực, đến chiều cùng ngày, thời tiết bắt đầu chuyển biến xấu buộc cả nhóm phải dựng trại khi đêm xuống.
Ngày hôm sau, gió tuyết và cái lạnh càng trở nên khắc nghiệt hơn. Tồi tệ hơn, một thành viên trong đoàn bị ốm. Tình hình lúc này khiến hành trình có thể phải hủy giữa chừng theo cảnh báo của trại căn cứ.
Ngày 7/8, một trận bão tuyết dữ dội đã giáng xuống đoàn leo núi. Những cơn gió "quái vật" của vùng núi cao đã thổi bay tất cả đồ đạc, lều của nhóm thám hiểm. Ba trong số 8 nhà leo núi đã chết do sức khỏe suy yếu quá nhanh.
Ảnh minh họa.
Những người còn sống cố gắng chống chọi với trận bão tuyết khổng lồ. Tuy nhiên, cái lạnh và khắc nghiệt của đỉnh Lenin đã khiến 3 người nữa trong đoàn thiệt mạng, bất chấp những nỗ lực giải cứu của một đoàn leo núi khác họ gặp trên đường đi.
Những lời cuối cùng của Elvira Shatayeva truyền về trại căn cứ mà người ta ghi nhận được đó là: "Cả đoàn thám hiểm chỉ còn hai người sống sót. Chúng tôi đang mất sức rất nhanh. Thời gian sống chỉ còn tính bằng phút. Chúng tôi chỉ có thể chịu được khoảng 15 đến 20 phút nữa thôi..."
Ngày 7/8/1974 chứng kiến những giây phút cuối cùng của "huyền thoại leo núi" Liên Xô Elvira Shatayeva và đoàn thám hiểm toàn nữ của mình trên hành trình chinh phục đỉnh núi Lenin cao 7.134m.
Nhìn bề nổi, thảm kịch 8 nhà leo núi nử tử nạn trên Lenin Peak không có gì là bí ẩn, khó hiểu. Tuy nhiên, trong cuốn sách "The Ascenders" của nhà báo, nhà leo núi Anatoly Ferapontov đã khiến dư luận phải chú ý với 2 điểm khi mô tả về hiện trường, nơi xảy ra cái chết của 8 nhà leo núi.
Theo đó, thứ nhất, sau khi phân tích một bức ảnh hiện trường, tác giả Anatoly Ferapontov nhận thấy một ấm trà được đặt nguyên vẹn trên một tảng đá. Anatoly Ferapontov đặt câu hỏi: Nếu là bão tuyết dữ dội xảy ra thì liệu ấm trà này có thể "yên vị" trên tảng đá như thế?
Thứ hai, những chiếc lều của đoàn thám hiểm đều bị rách tả tơi. Anatoly Ferapontov cho rằng, không có trận bão tuyết nào trên vùng núi đủ mạnh để xé toạc những chiếc lều được cột chặt trước đó. Những dấu vết này cho thấy nó bị xé nát bởi con người trong trạng thái cuồng loạn.
Chính xác thì "thứ gì" đã tấn công đoàn thám hiểm của Anatoly Ferapontov vào ngày 7/8 cách đây 45 năm? - Câu hỏi này đến nay vẫn là một bí ẩn.
Hình ảnh 6 trong đoàn leo núi gồm 7 người thiệt mạng khi chinh phục dãy Chaman-Daban. Ảnh: Dukvink/Wikipedia
Địa điểm xảy ra bi kịch: Dãy núi Chaman-Daban (tên khác: Khamar-Daban), Buryatia, Siberia, Nga.
Độ cao đỉnh núi: 2.396m.
Thời điểm xảy ra bi kịch: Tháng 8/1993.
Bị tuyết lạnh vùi đến chết là kết cục đau lòng của đoàn thám hiểm Korovina. Bi kịch giáng xuống đầu một nhóm khách du lịch leo núi đến từ Kazakhstan, dẫn đầu bởi nhà leo núi chuyên nghiệp Lyudmila Korovina.
Khi họ đến Buryatia, cả nhóm bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua dãy núi Chamar-Daban vào ngày 2/8/1993.
Tuy nhiên, lại một lần nữa, thời tiết không đứng về các nhà leo núi. Trời hết đổ mưa lại gây tuyết lạnh. Tuy nhiên, cả nhóm leo núi gồm 7 người tiếp tục băng qua lạnh giá để chinh phục Chamar-Daban cao 2.396m.
Ảnh minh họa.
Cho đến ngày 5/8/1993...
Sáu trong số bảy người trong đoàn leo núi Korovina không một ai sống sót. Người sống sót duy nhất, là Valentina Utochenko, 17 tuổi, sau đó đã đau đớn kể lại rằng:
"Cả đoàn gặp thời tiết cực kỳ tồi tệ, tuyết dày đến mức khiến tầm nhìn gần như bằng không. Một trong những thành viên của đoàn kiệt quệ nhanh chóng. Sau khi bị sùi bọt mép và chảy máu tai, các thành viên lần lượt chôn thân mình trong tuyết lạnh.
Có người còn bỗng nhiên lăn lộn trên tuyết, xé quần áo rồi nắm chặt cổ họng tựa như có thứ gì đó nỏng rẫy đang thiêu đốt cổ họ..."
Valentina Utochenko, người trẻ nhất đoàn, là người duy nhất còn sống sót. Cô cũng bất tỉnh sau khi chứng kiến đồng đội của mình bỏ mạng chốn hoang lạnh. Tuy nhiên, may mắn đã kịp mỉm cười với cô gái 17 tuổi khi cô được một nhóm du khách chèo thuyền kayak giải cứu.
Sau bi kịch diễn ra trên dãy Chamar-Daban, giới pháp y đã khám nghiệm 6 tử thi xấu số. Kết luận cho thấy, có dấu hiệu hạ thân nhiệt cao - có vết bẩm ờ phổi, và triệu chứng thiếu protein.
Tuy nhiên, những kết luận này không giải thích được bức màn bí ẩn bao quanh cái chết của 6 du khách leo núi. Tại sao một vận động viên leo núi chuyên nghiệp như Lyudmila Korovina lại cho cả đoàn đi xuống ở phía sườn núi thay vì băng rừng bằng con đường mòn có sẵn?
Tại sao cả đoàn 6 người chết lại bị chảy máu quá nhiều như thế? Thậm chí, tại sao lại xuất hiện triệu chứng thiếu hụt protein (do thiếu ăn) trong khi thực phẩm cả đoàn mang theo rất đầy đủ? Làm thế nào mà 6 người có thể chết trong vài phút? Và cuối cùng - làm thế nào thành viên thứ 7 trẻ nhất của nhóm lại sống sót?
Bản thân Valentina Utochenko, người trẻ nhất đoàn, về sau cũng không muốn nhắc đến thảm kịch khủng khiếp mà mình phải chứng kiến. Vì thế, những bí ẩn về cái chết của 6 người leo núi đến từ Kazakhstan vẫn còn nhiều điểm nghi vấn.
Chú thích:
(1) KGB: Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô
(2) Tên nguyên thủy của đỉnh Lenin là Kaufmann. Sau cuộc cách mạng Nga (1917), Kaufmann được đổi thành Lenin (tên của vị lãnh tụ đầu tiên của Liên Xô, Vladimir Ilyich Lenin). Tháng 7/2006, đỉnh Lenin được đổi tên thành đỉnh Ibn Sina.
Đỉnh Lenin đã được thám hiểm lần đầu tiên vào năm 1928 bởi Karl Wien, Eugen Allwein và Erwin Schneider, các thành viên của đoàn thám hiểm Đức.
Đọc thêm các bài hồ sơ về Liên Xô, Tại đây.
Bài viết sử dụng nguồn: CNN, RBTH