Thảm kịch bí ẩn trên đèo Dyatlov - Kỳ 2

Hồng Hạnh |

Nỗ lực tìm kiếm số người còn lại nhưng không thành. Đội cứu hộ không biết rằng những cảnh tượng tang thương, kinh hoàng hơn đang đón chờ họ.

BẰNG CHỨNG PHÁP Y

Sau hai tháng kể từ khi triển khai tìm kiếm, đến ngày 4/5/1959, đội cứu hộ đã phát hiện 4 thi thể còn lại. 

Thi thể của hướng dẫn viên Alexander Zolotaryov, kỹ sư Nicolas Thibeaux-Brignollel và hai sinh viên Alexander Kolevatov, Ludmila Dubinina bị chôn dưới lớp băng tuyết dày gần 3 m đã dần hiện ra khi mùa xuân đến. Cả 4 người đều gục chết ở một khe suối nhỏ. 

Tất cả các nạn nhân đều có những vết thương chí mạng trong cơ thể nhưng điều kì lạ ở chỗ, khác hoàn toàn so với những người bạn bị phát hiện trước đó 2 tháng, 4 người này đều mặc đầy đủ quần áo.

Thảm kịch bí ẩn trên đèo Dyatlov - Kỳ 2 - Ảnh 1.

Một xác chết được tìm thấy trong tuyết lạnh.

Giống như Slobodin, hộp sọ của Thibeaux - Brignollel bị một vật cứng đánh mạnh vào gây vết nứt lớn, trong khi ngực Zolotarev và Dubunina bị lõm vào trong, thêm vào đó một vài mảnh xương sườn bị vỡ vụn. 

Cả 4 nạn nhân đều được nhận định chết do những vết thương chí mạng tổn thương bên trong, nhưng tuyệt nhiên không hề có bất kì vết bầm tím hay tổn hại trên mô mềm. Sau khi khám nghiệm tử thi Dubinina, người ta còn phát hiện anh đã bị cắt mất lưỡi, mắt và một phần môi.

Trong đám tang tưởng nhớ các nạn nhân, gia đình của những nhà thám hiểm xấu số này còn khẳng định màu da trên người nạn nhân đã chuyển sang màu cam bất thường. Tóc đã mất sắc tố, biến thành màu bạc.

Khi điều tra chiếc lều rách bươm tại hiện trường, các chuyên gia phân tích đều đi đến kết luận chiếc lều bị phá nát từ bên trong. 

Họ đưa ra giả thuyết có lẽ bên trong lều có một sức mạnh nào đó quá mức kinh dị nên mới khiến các nhà thám hiểm “không còn suy nghĩ gì nữa mà bất chấp cào xé rách lều chạy trốn ra ngoài”. 

Trong số các đồ đạc bị bỏ lại, nhóm điều tra tìm thấy một vài cuộn phim và một số tài liệu thuộc đoàn leo núi. Những thứ này không những không giúp làm sáng tỏ sự thật mà còn khiến cho bí ẩn thêm khó hiểu.

Thảm kịch bí ẩn trên đèo Dyatlov - Kỳ 2 - Ảnh 2.

Bức ảnh cuối cùng chụp nhóm thám hiểm cho thấy họ vẫn bình thường, vui vẻ với chuyến đi.

Bắt tay vào cuộc, điểm nghi vấn đầu tiên mà đội ngũ điều tra đặt ra là tại sao Dyatlov và đội của anh lại chọn dựng lều tại một sườn núi đón gió khi còn chưa đầy 1,6 km là tới khúc cua - vị trí an toàn có thể tránh thời tiết khắc nghiệt của nước Nga. 

Tuy nhiên nghi vấn đó nhanh chóng có lời giải theo suy nghĩ của Yudin. Yudin, người không tham gia chuyến đi, giải thích đội trưởng Dyatlov có lẽ muốn tập cắm trại ngay trên sườn núi để chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm sau.

Trong những thước phim được tìm thấy tại túp lều bị phá nát, có bức ảnh chụp cả đoàn thám hiểm vào 5 giờ chiều 2/2/1959. 

Thời điểm đó họ quyết định dựng lều ở ngay sườn núi Kholat-Syakhl, cách đích đến đầu tiên theo dự định là đỉnh Gora Otorten gần 16 km. Trong bức ảnh, trông họ đều rất khỏe mạnh và vui vẻ.

Các điều tra viên tiếp tục xác định thời điểm ăn tối rơi vào khoảng 7 giờ và không lâu sau thì đi ngủ. Nhiệt độ buổi tối tại sườn Kholat-Syakhl lúc đó là -15 độ C. 

Không rõ lí do gì mà nhiều thành viên trong đoàn leo núi lại quyết định không mặc đồ giữ ấm khi đi ngủ, dẫn đến việc khi có chuyện xấu xảy ra họ chỉ kịp chạy ra ngoài lều mà không mặc quần áo.

Nhân viên pháp y cho biết có lẽ khoảng thời gian những nạn nhân bị “tấn công” xảy ra từ 9 giờ 30 tới 11 giờ 30 tối, sau khi phân tích chỗ thức ăn tiêu hóa trong dạ dày các thi thể.

Các điều tra viên nghi ngờ trong màn đêm buông xuống, các nhà thám hiểm đã phải đối mặt với nỗi sợ kinh hoàng. Các thành viên trong đội nhanh chóng xé, cắt lều để chạy ra ngoài thoát thân mà không kịp mặc thêm quần áo. 

Theo dấu vết của bước chân trên tuyết xung quanh lều, cả đội đều tỏa ra nhiều hướng khác nhau nhưng họ đều cố gắng tìm đồng đội khi đã xuống núi cách xa chỗ lều trại gần 300 m.

Báo cáo điều tra cho rằng khi Doroshenko và Krivonischenko tìm thấy nhau, họ nghĩ sẽ nhường quần áo của mình cho đồng đội. Nhưng thực tế, bản thân trên người họ lại mang quá ít quần áo, nên họ quyết định nhóm lửa giữ ấm, thay vì quay trở lại lều lấy đồ. 

Các nhân viên tình báo cũng bắt đầu nghi ngờ động cơ trèo lên cây của hai người. Bên cạnh giả thuyết do quá hoảng sợ “một thứ gì đó” nên muốn tìm chỗ trú ẩn trên cây, có thể Doroshenko và Krivonischenko muốn trèo lên vị trí cao hơn để có thể quan sát được chỗ lều trại. 

Tuy nhiên nỗ lực trèo lên cây bất thành khi họ bị chết cóng.

Trong khi đó, Kolmogorova, Slobodin và Dyatlov dường như đủ “dũng cảm” để quay trở lại lều, nhưng cả 3 cũng không hoàn thành được mục đích của mình khi bị sốc nhiệt trong thời tiết giá lạnh.

Mất đi thủ lĩnh có thể dẫn dắt mọi người, các nhà điều tra tin rằng 4 người còn lại Zolotaryov, Thibeaux-Brignollel, Kolevatov và Dubinina quyết định tiến đến gần khu rừng gần đó, hi vọng sẽ tìm được chỗ trú ẩn. 

Tuy nhiên, cả 4 lại tiếp tục chết một cách đau thương với những vết gãy xương bên trong mà không tìm ra nguyên nhân gây thương tích. Thành viên cuối cùng được xác định thiệt mạng sau 8 tiếng xảy ra sự kiện đầu tiên.

Sau khi hoàn thành mốc thời gian mô tả lại quá trình xảy ra thảm kịch, trong đầu của đội điều tra hiển hiện hai câu hỏi lớn. Một là “thế lực bí ẩn” xuất hiện trong lều là gì mà khiến cả đội leo núi hoảng sợ bỏ chạy. Hai là nguyên nhân dẫn đến những vết thương chết người của 4 thành viên.

Xem Kỳ cuối: Thuyết âm mưu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại