Ngọn nguồn của thảm kịch
Tối 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Yên Bái đã có kết quả điều tra ban đầu về vụ tai nạn lao động khiến 7 công nhân tử vong tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.
VOV dẫn thông tin từ kết luận điều tra cho hay, 12 giờ ngày 22/4, sau giờ nghỉ trưa, nhóm 10 người công nhân vận chuyển vật liệu vào bên trong máy nghiền xi măng số 3 (máy nghiền bi) để sửa chữa, thay tấm lót. Nhưng anh Lê Mạnh Cường - Trưởng ca sản xuất Phân xưởng Thành phẩm không cắt động lực (cắt điện) theo quy trình sửa chữa.
Đến hồi 12 giờ 49 phút cùng ngày, chị Nguyễn Thị Tính - nhân viên Phòng Điều khiển trung tâm, quan sát qua màn hình máy tính thấy vẫn có nguồn điện vào máy nghiền số 3 nên thông báo là máy vẫn có điện, đề nghị cắt điện. Lúc này anh Cường bảo đã cắt điện biến trở rồi và sẽ kiểm tra lại.
Tiếp theo, lúc 13 giờ 01 phút, anh Lê Mạnh Cường nhờ báo người trực buồng Gió nóng nhờ cắt nguồn điện của máy nghiền số 3. Lúc này, công nhân trực buồng Gió nóng dùng tay quay để kéo máy cắt điện nhưng không kéo được nên bảo đi tìm thợ điện sửa.
Lúc này, Trần Mạnh Hùng (SN 1980, trú tại phường Yên Thịnh, TP.Yên Bái) - nhân viên cân băng liệu đang làm việc ở đó cũng nghe thấy. Mặc dù người khác đã ngắt aptomat nối với trung tâm điều khiển rồi đi tìm thợ điện sửa chữa nhưng Hùng lại tiếp tục dùng tay quay để kéo máy cắt điện, báo Dân Việt thông tin.
Thấy không được, Hùng trực tiếp lấy một đoạn cán chổi bằng lõi gỗ bóc dài khoảng 80cm có sẵn ở đó, chọc vào rơ le đóng điện trên máy cắt, khởi động máy nghiền số 3, dẫn đến máy nghiền số 3 quay khiến 7 công nhân đang sửa chữa trong máy nghiền số 3 tử vong, 3 người sửa chữa bên ngoài bị thương.
Sau đó, Trần Mạnh Hùng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.
Nam nhân viên đối diện mức án nào?
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, TS - Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm trên tờ Gia đình & Xã hội rằng: Đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều công nhân tử vong, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây đau thương mất mát đến nhiều gia đình.
Trong vụ việc này hậu quả thiệt hại về tính mạng của nhiều công nhân đã được xác định, vấn đề quan trọng là cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc khởi động máy, bảo dưỡng sửa chữa có đúng quy trình, quy định về an toàn lao động hay không? Trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành thuộc về ai?
Theo Luật sư Cường, với tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự mà hậu quả 7 người tử vong thì hình phạt có thể lên tới 12 năm tù.
Đồng quan điểm với Luật sư Đặng Văn Cường, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết trên báo An ninh Thủ đô rằng: Điều 295 BLHS 2015 sửa đổi nêu rõ ơhạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 6-12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Như vậy, đối với vụ tai nạn xảy ra tại Nhà máy Xi măng Yên Bái khiến 7 người tử vong, cá nhân vi phạm có thể đối diện với mức án cao nhất là 12 năm tù.
Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được quy định như sau:
- Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
+ Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Tổng hợp