Báo động tình trạng thiếu ngủ đang ngày càng gia tăng
Theo khảo sát của Tạp chí Sức khỏe Đài Loan vừa thực hiện, có tới 25% người tham gia khảo sát cho biết họ mắc chứng mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc suốt đêm.
Một kết quả thống kê khác cho thấy, có tới gần 80% người cho rằng họ có vấn đề về giấc ngủ, thiếu ngủ, ngủ không trọn vẹn.
Còn chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ William Dement (Mỹ) nhận định thiếu ngủ đang trở thành một cuộc khủng hoảng xã hội vô hình. Theo ước tính, tại Hoa Kỳ, 50% các vụ tai nạn nghiêm trọng là do thiếu ngủ.
Tại Đài Loan, mặc dù chưa có thống kê thực tế, nhưng dựa trên những quan sát của nhiều bác sĩ, các vấn đề về tâm lý phát sinh gần đây có thể liên quan đến việc nhiều thanh thiếu niên bị thiếu ngủ.
Các chuyên gia tại Đại học Đài Loan, bác sĩ tâm thần Lý Vũ Trụ lo lắng chỉ ra rằng những người trẻ ở Đài Loan rơi vào trạng thái thiếu ngủ ở mức "rất nghiêm trọng!"
Theo khảo sát mới nhất, Cục Giáo dục Đài Bắc cho thấy rằng gần 30% học sinh trung học cơ sở ngủ ít hơn 6 giờ, học sinh trung học và sinh viên đại học, hơn 50% chỉ ngủ 6 sáu giờ hoặc ít hơn.
Làm thế nào để ngủ ngon hơn? Nhiều người cần giải pháp để khắc phục những khoảnh khắc dài "đếm cừu" trong bóng tối.
Giải pháp chính là hiểu kỹ những yếu tố cần có để có thể ngủ tốt như điều kiện vật chất, tâm lý, thói quen, từ đó mới có thể đảm bảo rằng bạn sẽ ngủ ngon.
Giải pháp phòng tránh khó ngủ gây mất ngủ
Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ (American Association Sleep) đã nghiên cứu và đưa ra 9 giải pháp để có giấc ngủ tốt. Nếu đang bị triệu chứng này, bạn có thể tham khảo đối chiếu xem mình có cần thay đổi gì không?
1. Ăn thông minh thì ngủ sẽ ngon
Trong vòng 6 tiếng trước khi đi ngủ, không nên uống cà phê hoặc đồ uống có chất kích thích.
Nhiều người uống rượu xong cảm thấy dễ ngủ, nhưng thực tế lại hay bị thức giấc giữa đêm. Nếu bạn thức dậy cảm thấy vẫn mệt mỏi, thiếu sức sống, thì rượu chính là thủ phạm.
Ngoài ra, không nên uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, việc này sẽ làm tăng số lần đi vệ sinh vào ban đêm, khiến bạn tỉnh dậy khó ngủ trở lại.
Không nên ăn quá no trước khi ngủ, bạn sẽ bị trằn trọc vì dạ dày làm việc sẽ không cho bạn ngủ yên. Chỉ nên ăn một lượng vừa đủ. Bên cạnh đó, bạn cũng không được nhịn đói. Dạ dày trống trơn cũng sẽ làm cho bạn vật lộn suốt đêm. Những lúc quá đói, hãy ăn tạm một chút bánh quy hoặc đồ ăn nhẹ.
2. Nên nói lời tạm biệt với thuốc lá
Chất nicotine trong thuốc lá có thể gây khó ngủ, nếu thức dậy trong đêm sẽ càng khiến bạn mệt mỏi hơn. Những người hút thuốc thường trải qua nhiều ác mộng.
Nếu bỏ hút thuốc lá, có thể làm cho bạn thèm thuốc và khó ngủ trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài thì cai thuốc vô cùng có lợi cho sức khỏe tổng thể.
3. Tập thể dục vừa phải sẽ có giấc ngủ ngọt ngào
Tập thể dục có thể giúp bạn rơi vào giấc ngủ dễ dàng, nhiều người sẽ ngủ sâu giấc hơn. Nên tạo thói quen tập vào buổi chiều hoặc buổi tối.
Bất kỳ môn thể thao nào bạn thích đều được khuyến khích, đi bộ, chạy nhẹ, thể dục tại nhà… Nếu chơi thể thao nặng thì nên tập trước khi ngủ khoảng 2-3 tiếng để không đánh thức cơ thể.
4. Hãy thử tắm nước nóng
Những người khó ngủ thường có lý do, khi chưa tìm được nguyên nhân, hãy thử thay đổi nhiệt độ cơ thể bằng cách tắm nước nóng.
Khi bạn rời khỏi phòng tắm, cơ thể sẽ tự nhắc nhở rằng, đã đến giờ đi ngủ rồi, bạn lên giường thư giãn và ngủ ngon hơn sau đó.
5. Ánh sáng đèn ngủ có sự ảnh hưởng nhất định
Ánh sáng, đặc biệt là ánh mặt trời, rất quan trọng với sức khỏe. Chúng thiết lập sự lặp đi lặp lại của đồng hồ sinh học trong cơ thể, từ đó điều khiển cả giấc ngủ.
Vào ban ngày, bạn nên sưởi nắng đủ thời gian, nhưng khi ngủ, ánh sáng lại có tác động không tốt đến chất lượng giấc ngủ. Bạn có thể tắt đèn, kéo rèm, đóng cửa hoặc che chắn để có một không gian ngủ phù hợp.
6. Cách ngăn chặn tiếng ồn xung quanh
Nhiều người mất ngủ vì không gian sống ồn ào, nhiều tạp âm, hãy thử các giải pháp sau.
- Dùng bông nút tai
- Che chắn cửa bằng vật liệu dày
- Làm cách âm cửa
- Nghe một số bản nhạc nhẹ
7. Giường cũng có thể là thủ phạm gây mất ngủ
Muốn biết thủ phạm gây mất ngủ có phải là chiếc giường của bạn không, hãy kiểm tra chất lượng đệm. Nếu bạn ngủ dậy bị mệt mỏi, đau lưng, khó chịu về thể xác, có thể là chiếc đệm đã chưa làm đúng vai trò của nó.
Khi bạn ngủ cùng người khác, nếu giường không đủ rộng để bạn xoay chuyển cũng có thể là nguyên nhân gây khó ngủ. Hãy nghĩ đến việc tìm một chỗ ngủ rộng hơn.
8. Bạn đã làm gì trên giường để gây mất ngủ
Nhiều người nằm trên sofa thì ngủ ngon lành nhưng khi lên giường thì lại trằn trọc. Điều này chứng tỏ, chiếc giường đã bị làm việc sai mục đích. Hãy thử nghĩ xem bạn có làm việc trên giường, xem Tivi, đọc sách muộn, tính toán sổ sách, xem hóa đơn thanh toán hoặc làm việc gì đó khác không.
Những người khó ngủ, hãy thử duy trì một số nguyên tắc sau:
- Chỉ ngủ và quan hệ tình dục trên giường, không làm các việc khác.
- Khi buồn ngủ mới đi ngủ.
- Nếu lên giường nằm 15 phút không ngủ được, hãy dậy khỏi giường, một lát sau quay lại ngủ.
- Nếu nằm trên giường, chỉ nên nghĩ những chuyện dễ chịu. Những vẫn đề khó khăn nên gạt đi để suy nghĩ sau.
9. Thư giãn trước khi đi ngủ
Khi đã khó ngủ, bạn nên dành những trạng thái dễ chịu nhất cho giấc ngủ. Ví dụ như nghe nhạc, mặc đồ ngủ thoải mái, thiền định, cầu nguyện, ôm hôn và thể hiện tình yêu với bạn đời, làm cho cơ thể cảm thấy dịu lại. Hãy làm những gì mà bạn cảm thấy thích thú và dễ chịu nhất.
Bác sĩ tâm thần Lý Vũ Trụ, chuyên gia y tế công tác tại Đại học Đài Loan.
*Theo Tạp chí Sức khỏe