Toàn cảnh vụ tên lửa Iran bắn hạ máy bay B-737 Ukraine
Như chúng ta đã biết, tại thời điểm tên lửa đạn đạo rời bệ phóng tấn công các căn cứ quân sự ở Iraq có lính Mỹ đồn trú, toàn bộ các lực lượng vũ trang Iran đã sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện với cường quốc quân sự mạnh số 1 thế giới. Trong đó, phòng không Iran ở trạng thái trực chiến cấp 1, sẵn sàng đánh chặn nếu Mỹ quyết định tấn công trả đũa bằng tên lửa.
Rõ ràng Tehran đã lường trước mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất là bị tấn công, nhưng người tính không bằng trời tính, thảm họa đã xảy ra khi tên lửa phòng không của họ nhầm lẫn tai hại, khai hỏa vào chiếc máy bay thương mại Boeing B-737 của Ukraine. Toàn cảnh vụ việc thảm khốc hôm 08/01/2020 diễn ra như sau:
- 06h14 ngày 08/01: Máy bay Boeing B-737 mang số hiệu PS752 của Hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) cất cánh từ sân bay Inam Khomeini tại thủ đô Tehran của Iran bay đi Kiev.
- 06h17 ngày 08/01: Máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu, rơi xuống Tây Nam thủ đô Tehran của Iran. Báo cáo cho biết, toàn bộ 176 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Ngoài 82 người Iran thì trên máy bay còn có tới 63 người mang quốc tịch Canada và một số quốc gia khác như Ukraine, Thụy Điển, Đức, Anh,....
- Iran công bố báo cáo sơ bộ cho rằng máy bay gặp sự cố kỹ thuật, bốc cháy trước khi đâm xuống đất. Tuy nhiên, các quốc gia Mỹ, Anh, Canada và cả Ukraine đều cho rằng "một lỗi nghiêm tọng" của phòng không Iran khiến tên lửa khai hỏa vào chiếc máy bay và những hành khách xấu số.
- Ngày 11/01, Truyền hình Nhà nước Iran dẫn nguồn tin từ Quân đội Iran chính thức thông báo hệ thống phòng không của nước này đã vô tình bắn hạ máy bay Ukraine trong tình huống hết sức phức tạp. Sau đó, Tư lệnh Lực lượng Phòng không - Không quân Iran cũng lên tiếng thừa nhận trách nhiệm về thảm họa này.
Như vậy, việc tên lửa phòng không Iran đã sai lầm nghiêm trọng khi bắn nhầm vào máy bay thương mại.
Thảm họa kinh hoàng đã xảy ra ở Iran khiến 176 người thiệt mạng.
10 giây tàn khốc - Chiến tranh là thế!
Tại thời điểm máy bay Ukraine bị bắn hạ, toàn bộ lực lượng phòng không Iran đang trực chiến đấu cấp 1, sẵn sàng chống lại đòn trả đũa bằng tên lửa của Mỹ.
Trong bối cảnh một cuộc chiến toàn diện Mỹ-Iran có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, nhiều chiến đấu cơ Không quân Mỹ ở Trung Đông đã xuất kích, tình huống trên không diễn ra rất nhanh, các kíp chiến đấu phòng không Iran có rất ít thời gian để quyết định bắn hay không bắn.
Bỏ qua những thuyết âm mưu về việc Iran cố tình bắn hạ máy bay dân dụng Ukraine, nếu chỉ xét tình huống nói trên trong chiến tranh, kíp chiến đấu Iran đã không còn lựa chọn nào khác.
Theo nhiều nguồn tin thì trước khi bị bắn hạ, chiếc máy Boeing B-737 đã gặp sự cố ngay sau khi cất cánh (có thể là do động cơ bị bốc cháy), buộc phi công phải đưa máy bay quay lại sân bay để hạ cánh khẩn cấp.
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 của Iran được cho là thủ phạm bắn hạ máy bay Ukraine.
Trong tình huống này, dường như tổ lái chiếc B-737 đã không đủ thời gian để điều khiển bay theo lộ trình thông thường, lệnh ra ngoài hành lang bay dân dụng khiến phòng không Iran lúc này đang sẵn sàng chiến đấu cao nghi ngờ là tên lửa hoặc máy bay của Mỹ lao vào tấn công trả đũa Iran sau đòn tập kích tên lửa vào các căn cứ quân sự ở Iraq.
Diễn biến quá nhanh, kíp chiến đấu tên lửa phòng không Iran chỉ có đúng 10 giây để quyết định có bắn hay không bắn vào mục tiêu được cho là đang lao thẳng vào thủ đô Tehran.
Đặc biệt, chỉ huy đơn vị này đã không cách nào liên lạc được với cấp trên để xin lệnh, và cuối cùng của chuỗi các sai lầm là trắc thủ điều khiển tên lửa đã bấm nút khai hỏa.
Dưới góc độ quân sự, bất kỳ lực lượng phòng không của quốc gia nào đều có "cẩm nang" tác chiến phòng không, theo đó, dự kiến tất cả các tình huống có thể xảy ra trên không và với mỗi trường hợp thì sẽ có cách xử trí tương ứng. Đây chính là các phương án A, B, C,... mà các kíp chiến đấu tên lửa phòng không phải thuộc nằm lòng.
Một phần được cho là mảnh xác của tên lửa thuộc hệ thống phòng không Tor-M1 của Iran tại hiện trường máy bay Ukraire bị bắn hạ.
Tình huống tác chiến trên không có thể diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, không có thời gian để xin chỉ thị cấp trên hoặc nếu có xin được chỉ thị thì đã lỡ thời cơ diệt mục tiêu, do vậy hầu hết các kíp chiến đấu phòng không cứ "theo cẩm nang mà làm".
Tuy nhiên, có mấy điểm đáng lưu ý rằng, thông thường, trên máy bay dân dụng luôn có bộ phận phát đáp tự động để các cơ quan quản lý không lưu nắm được tình trạng máy bay, tốc độ, độ cao,... để điều hành bay và các tổ hợp tên lửa phòng không đều được trang bị máy hỏi tự động để xác định đâu là máy bay dân dụng và đâu là máy bay của kẻ thù.
Không hiểu sao trong tình huống cụ thể vào sáng sớm ngày 08/01/2020 đó, mọi "rủi ro" đều xảy ra cùng lúc, đây chính là "thủ phạm" khiến thảm họa xảy ra:
"Máy bay dân dụng bị gặp trục trặc phải quay lại sân bay, phòng không Iran xác định đó là mục tiêu nguy hiểm do hệ thống hỏi - đáp nhận dạng "địch - ta", không hoạt động hoặc kíp chiến đấu thao tác sai, bỏ qua yếu tố này và không thể xin chỉ thị cấp trên, đã quyết định khai hỏa, dẫn tới thảm họa 176 người trên máy bay của Ukraine thiệt mạng.
Bức màn bí ẩn vẫn xoay quanh vụ bắn nhầm tai hại của phòng không Iran vẫn còn dày đặc, tuy nhiên sắp tới các bên liên quan sẽ tham gia điều tra để đưa ra kết luận thỏa đáng, làm sáng tỏ cái chết của 176 người vô tội.
Sau khi thừa nhận thủ phạm gây thảm họa, Tướng Amir-Ali- Hajizadeh - Tư lệnh lực lượng PK-KQ Iran tuyên bố ông nhận trách nhiệm và chia sẻ rằng khi nghe tin sét đánh ông "đã muốn chết", trong khi Tướng Hossein Salami chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) "ước gì mình ở trên máy bay".