Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Hải quân Indonesia. Ảnh: AP
Các tàu ngầm sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu trong các lực lượng hải quân trên thế giới. Chúng được xem như một phần thiết yếu để làm lực lượng đối trọng bất cân xứng với các đối thủ lớn mạnh hơn.
Suốt hàng chục năm qua, khi Đông Nam Á bắt đầu đưa vào biên chế các hạm đội tàu ngầm, đã có những lời cảnh báo về những tai nạn tiềm tàng.
Trong số đó phải kể đến vụ “Whiskey on the Rocks”, khi tàu ngầm Liên Xô bị chìm ở ngoài khơi Thụy Điển năm 1981 và các tai nạn không may như vụ va chạm giữa tàu ngầm Greeneville của Mỹ và tàu Ehime Maru của Nhật Bản năm 2001.
Trước thảm họa tàu ngầm hồi tuần trước, tai nạn gần đây nhất xảy ra vào tháng 2/2021 ở Đông Bắc Á, khi tàu ngầm Soryu của Nhật Bản va chạm với một tàu thương mại ở Thái Bình Dương trong lúc nổi lên mặt nước ở ngoài khơi Shikoko.
Thật may mắn, dù tàu ngầm bị hư hại, bị mất liên lạc và có 3 thủy thủ bị thương nhẹ, nhưng con tàu vẫn trở về căn cứ an toàn.
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 thì không được may mắn như vậy.
Con tàu mất liên lạc với bộ phận trên bờ vào lần cuối cùng lặn xuống vị trí phóng ngư lôi. Sau 3 ngày tích cực tìm kiếm, vào thời điểm mà tàu ngầm được cho là đã cạn kiệt oxy, giới chức Indonesia thông báo tin buồn: Toàn bộ 53 thủy thủ đã thiệt mạng. Các mảnh vỡ của tàu Nanggala đã được tìm thấy.
Con tàu được phát hiện ở độ sâu hơn 800 mét, vượt mức tối đa 500 mét mà tàu có thể hoạt động.
Đây là thảm kịch tàu ngầm đầu tiên ở Đông Nam Á.
Những hạn chế từ phản ứng của nước ngoài
Về phía Indonesia, nước này đã phản ứng rất nhanh chóng và quyết đoán. Nhận thức được sự hạn chế về nguồn lực, quân đội Indonesia đã nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp từ nước ngoài thông qua cơ chế Văn phòng giải cứu tàu ngầm quốc tế (ISMERLO).
Đây là một thỏa thuận ký năm 2012 giữa Hải quân Singapore và Hải quân Indonesia trong việc hợp tác và hỗ trợ giải cứu tàu ngầm.
Giới chức Indonesia hoàn toàn hiểu rõ ưu tiên hàng đầu là phải nhanh chóng xác định vị trí tàu ngầm mất tích và nỗ lực hết sức để cứu những người sống sót trên tàu.
Điều này lại trái ngược hoàn toàn với phản ứng ban đầu của Nga. Khi tàu ngầm Kursk mất tích vào tháng 8/2000, Nga ban đầu từ chối sự trợ giúp của nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia, nhưng khi chấp nhận thì đã quá muộn nên không thể giải cứu những người sống sót mắc kẹt trên tàu.
Các nước cũng nhanh chóng phản hồi những lời kêu gọi trợ giúp từ Jakarta. Australia, Ấn Độ, Malaysia và Mỹ là những nước đã triển khai lực lượng tới trợ giúp Indonesia.
Ngay khi nhận được đề nghị của Indoensia, Singapore cũng đã triển khai tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue ngay trong chiều 21/4, ngày mà tàu ngầm Indonesia mất tích. Ấn Độ cũng đồng ý triển khai tàu cứu hộ biển sâu (DSRV).
Dù nỗ lực giải cứu giờ đây đã trở thành chiến dịch trục vớt, thì sự việc này đã cho thấy sự vô ích của cơ chế khẩn cấp giải cứu tàu ngầm quốc tế.
Thời gian là yếu tố cốt lõi
Hợp tác quốc tế trong chiến dịch khẩn cấp giải cứu tàu ngầm đóng vai trò quan trọng. Quân đội nước ngoài có thể sở hữu những khả năng cần thiết mà nước khác không có để thực hiện trong bất cứ tình huống khẩn cấp nào.
Tuy nhiên, chiến dịch này cũng là một cuộc chạy đua với thời gian.
Ở khía cạnh này, hợp tác quốc tế, dù quan trọng, lại có nhiều hạn chế. Đó là sự cản trở về khoảng cách địa lý của nước gửi tàu cứu hộ tới nơi xảy ra sự cố.
Cho dù một nước nào đó có thể vận chuyển DSRV bằng đường hàng không tới nước cần hỗ trợ, thì vẫn cần phải có cơ sở hạ tầng cảng biển phù họp gần nhất với nơi tàu ngầm gặp nạn.
Phải di chuyển hơn 1.500km từ Căn cứ Hải quân Changi tới khu vực ngoài khơi Bali, trong điều kiện thuận lợi nhất, tàu Swift Rescue cũng không thể đến nơi sớm hơn chiều tối hoặc tối 23/4.
Mức oxy dự trữ trên tàu ngầm Nanggala ước tính chỉ còn đủ đến khoảng 3h sáng ngày 24/4, nên chỉ có một khe cửa hẹp để giải cứu nếu Swift Rescue tới được vị trí gặp nạn.
Cũng có những yếu tố khác cản trở nỗ lực này như thời tiết và các điều kiện trên biển.
Nếu tàu ngầm là lực lượng cần thiết đối với hải quân, thì những nước sở hữu hạm đội tàu ngầm cũng cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng về các cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc vận hành tàu ngầm hiệu quả và an toàn.
Không chỉ đơn thuần là tàu ngầm
Dù vậy, thảm họa Nanggala có lẽ sẽ không làm nản lòng các lực lượng hải quân trong khu vực trong việc sở hữu tàu ngầm.
Ngoài Indonesia, Malaysia cũng đang cân nhắc về việc mở rộng hạm đội tàu ngầm, Thái Lan muốn chế tạo tàu ngầm, và Philippines cũng có kế hoạch liên quan tới tàu ngầm.
Rõ ràng là năng lực tàu ngầm không phải chỉ đơn thuần là những chiếc tàu hoạt động ngầm dưới nước.
Các nước muốn xây dựng một lực lượng đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả dưới mặt nước không chỉ phải lo ngại về chính những con tàu ngầm.
Vòng đời sau khi mua bán của tàu ngầm, năng lực bảo trì thiết yếu, lộ trình sửa chữa và đại tu cũng là những yếu tố cần xem xét cả trên quan điểm về an toàn, hoạt động cũng như tài chính. Việc huấn luyện thủy thủ đoàn và nhân lực hỗ trợ trên bờ cũng là yếu tố quan trọng.
Tuy nhiên, để các lực lượng hải quân có thể phản ứng trước các tình huống khẩn cấp liên quan tới tàu ngầm, họ không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài.
Một cơ sở hạ tầng hỗ trợ tàu ngầm bắt buộc phải bao gồm năng lực phản ứng khẩn cấp – một nguồn chi phí đáng kể đối với các lực lượng hải quân có ngân sách eo hẹp. Việc sở hữu năng lực phản ứng khẩn cấp này sẽ rất cần thiết trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi mà các thách thức ngày càng gia tăng trong việc tuyển mộ nhân lực phù hợp cho tàu ngầm – một công việc khó khăn hơn nhiều so với các chiến hạm nổi – thì điều cần thiết là phải có được niềm tin của những thủy thủy làm việc trên cỗ máy thép dưới mặt nước đó.
Tính mạng của những thủy thủ tàu ngầm có thể “ngàn cân treo sợi tóc” bất cứ lúc nào và họ luôn mong muốn có sự trợ giúp chắc chắn trong trường hợp gặp sự cố trên biển.