Năm 2015, một tảng băng rộng gần 580 km2 đã vỡ ra khỏi sông băng Pine Island, một phần thềm băng phía Tây Nam Cực.
Gần đây, sau khi xem xét lại các ảnh chụp vệ tinh trước khi tảng băng vỡ ra, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về vết nứt kéo dài cho thấy sông băng vỡ từ trong ra ngoài.
Vết nứt ban đầu này nằm sâu trong đất liền gần 30 km và được vệ tinh chụp lần đầu vào năm 2013.
Quan sát những bức ảnh vệ tinh trước năm 2015, các nhà nghiên cứu phát hiện ra vết nứt lan rộng trong vòng hai năm trước khi tảng băng tách rời. Tảng băng này sau đó đã trôi dạt tới 12 ngày mới dừng lại.
Theo Ian Howat, một chuyên gia về sông băng tại Đại học Ohio, tác giả chính của nghiên cứu thì cách sông băng Pine Island vỡ vụn từ trong ra ngoài cho thấy những lớp băng vẫn đang tiếp tục tan chảy.
Ông cũng cho biết những đường đứt gẫy như này cung cấp thông tin về cách các dòng sông băng đang thu nhỏ lại nhanh chóng, làm tăng thêm khả năng Tây Nam Cực sẽ biến mất trong tương lai gần.
Thực tế, các nhà khoa học cảnh báo rằng lớp băng khổng lồ ở Tây Nam Cực sẽ tan chảy hoàn toàn trong vòng 100 năm nữa. Đến lúc đấy, mực nước biển sẽ dâng thêm 3 mét, nhấn chìm nhiều vùng ven biển trên toàn thế giới.
Những vết nứt sâu tương tự cũng được tìm thấy dưới bề mặt băng ở Greenland. Ở đây, nước biển vốn ăn sâu vào trong nội địa, làm tan băng từ bên dưới.
Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên chứng kiến băng ở Nam Cực tan chảy từ bên trong. Hình ảnh vệ tinh cung cấp những bằng chứng xác thực cho thấy cách băng tan ở Greenland giờ đang diễn ra tương tự tại Nam Cực.
Vết nứt thường hình thành ở phần rìa mỏng hơn của dải băng. Nhưng những vết nứt trên sông băng Pine Island lại xuất hiện từ vùng trung tâm. Nguyên nhân có thể do nước biển ấm thâm nhập qua các khe nứt dưới lớp băng làm chúng ngày càng mở rộng.
Phần dưới của lớp băng Tây Nam Cực nằm dưới mực nước biển, cho phép nước biển đi sâu vào bên trong mà không bị phát hiện. Khi sự xâm nhập này hình thành nên những vùng băng mỏng, sự tan chảy bên dưới lớp băng mới biểu hiện ra ngoài.
Pine Island cùng những sông băng khác thuộc dải băng phía Tây Nam Cực có thu nhỏ nhanh chóng và tan chảy khi các đại dương tiếp tục ấm lên. Khi đó gần 10% băng ở Tây Nam Cực sẽ chảy xuống biển, hậu quả khó lường sẽ xảy đến với các quốc gia ven biển.